Vào lúc 15h00 ngày 16/11/2018, tại phòng C202 trường ĐH Luật TP. HCM cơ sở Nguyễn Tất Thành, buổi gặp gỡ, giao lưu với TOP 12 xuất sắc nhất đã diễn ra trong không khí háo hức hòa cùng tinh thần nhiệt huyết của các đội thi trước thềm Tứ kết.

Buổi gặp gỡ hân hạnh được đón tiếp sự hiện diện của Đ/c Nguyễn Đào Phương Thúy – Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM, Phụ trách Ban Tổ chức và đội ngũ giảng viên đến từ các trường để hỗ trợ cho đội thi của mình.

Tại buổi gặp gỡ, Đ/c Nguyễn Đào Phương Thúy đã phát biểu khai mạc cuộc thi và những lời chia sẻ, động viên dành cho các thí sinh; đồng thời giải đáp các thắc mắc xoay quanh thể lệ dự thi, nội dung bài biện hộ và một số vấn đề phát sinh khác mà các thí sinh có thể gặp phải.

Tiếp theo chương trình, các thí sinh tiến hành bốc thăm chia Bảng cho vòng Tứ kết theo chỉ đạo của BTC, kết quả cụ thể như sau:

 

Cũng trong buổi giao lưu, Đ/c Trần Trọng Đại – Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Luật Hà Nội đã gửi những món quà thay cho lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu trường ĐH Luật TP. HCM, Ban Tổ chức cuộc thi và những món quà nhỏ khích lệ tinh thần cho các Đội thi.

Hy vọng sau buổi gặp gỡ này, các đội thi sẽ tự tin, thi đấu hết mình để có được kết quả tốt nhất và trở thành một trong những gương mặt sáng giá cho danh hiệu Quán quân của cuộc thi Phiên tòa giả định - VMoot cấp Quốc gia năm 2018!

Mọi thông tin về cuộc thi sẽ được cập nhật thường xuyên trên Fanpage Tuổi trẻ luật và Fanpage chính thức của cuộc thi VMoot – Phiên tòa giả định. Hãy tiếp tục theo dõi và cổ vũ cho các đội thi nhé!

 

Nội dung: Tấn Sang, Ninh Giang

Hình ảnh: Thủy Tiên, Nhật Minh, Thanh Trúc

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Vào ngày 10/11/2018 tại trường ĐH Luật TP. HCM cơ sở Bình Triệu, buổi tập huấn Cán bộ Đoàn – Hội mang tên Những người tiếp lửa năm 2018 đã được tổ chức, qua đó bổ sung lí luận, kỹ năng nghiệp vụ và nâng cao khả năng tổ chức, chỉ đạo phong trào Đoàn cho Cán bộ Đoàn khoa, Ban chủ nhiệm các CLB, các Ban, Bộ phận và Bí thư, Phó Bí thư các chi đoàn.

Lớp tập huấn hân hạnh được đón tiếp sự góp mặt của:

+ Đ/c Nguyễn Thành Bá Đại – Bí thư Đoàn trường;

+ Đ/c Nguyễn Trung Dương – Phó Bí thư Đoàn trường;

+ Đ/c Nguyễn Đào Phương Thúy – Phó Bí thư Đoàn trường.

Mở đầu buổi tập huấn, vào lúc 7h30 sáng tại hội trường F501, Đ/c Nguyễn Trung Dương đã có những chia sẻ thẳng thắn về công tác phát triển Đảng, sinh hoạt chi đoàn chủ điểm và công tác tổ chức các hoạt động phong trào. Bên cạnh việc nêu ra những lỗi thường gặp trong quá trình tổ chức phong trào, đồng chí còn chỉ rõ phương hướng hoạt động trong thời gian sắp tới của các chi đoàn. Qua buổi tập huấn, đồng chí bày tỏ sự mong muốn các Bí thư, Phó Bí thư ở các chi đoàn, các khoa tích cực hơn trong việc đóng góp ý kiến xây dựng Đoàn nói chung, cũng như dành quan tâm đặc biệt đến phong trào của chi đoàn mình nói riêng.

Trong buổi chiều cùng ngày tại hội trường F501, Đ/c Nguyễn Đào Phương Thúy tập trung đi sâu phổ biến, hướng dẫn các vấn đề: Phong cách người cán bộ; Xây dựng công tác thanh niên; Tổ chức các cuộc thi học thuật. Đồng chí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng phong cách cán bộ Đoàn cấp cơ sở, từ đó hình thành nên sự tự tin, năng động, thể hiện màu sắc riêng của Ulaw trong công tác Đoàn - Hội.

Cuối buổi tập huấn, đồng chí Nguyễn Thành Bá Đại - Bí thư Đoàn trường đã chỉ ra thực trạngvà những hạn chế trong việc thực hiện công tác nhân sự và công tác văn phòng của các cán bộ Đoàn chủ chốt. Trên cơ sở đó, đồng chí cũng có những nhắc nhở thẳng thắn, đề ra các giải pháp cụ thể để giúp các bạn cán bộ tham gia tập huấn nhanh chóng có những điều chỉnh thích hợp, cải thiện hai mảng hoạt động nêu trên.

Buổi tập huấn chuyên đề Cán bộ Đoàn – Hội 2018 đã khép lại, đồng nghĩa với một mùa công tác mới chính thức bắt đầu. Hy vọng sắp tới đây sẽ là một năm hoạt động sôi nổi, thành công của Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM. Chúc cho các bạn cán bộ Đoàn luôn bản lĩnh, tự tin, và nhiệt huyết để có thể cống hiến hết khả năng của mình. Và bây giờ, hãy cùng nhau chờ đợi sự trở lại của buổi tập huấn dã ngoại tại Cần Giờ sắp tới nhé!

 

Nội dung: Ninh Giang, Sơn Giang

Hình ảnh: Mỹ Tiên, Phương Thảo, Anh Dũng,

 Quỳnh Chi, Yến Nhi, Yên Thảo

 Ban Truyền thông Đoàn trường 

Write comment (0 Comments)

Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, sáng ngày 10/11/2018 vừa qua, tại trường ĐH Tôn Đức Thắng, Cục Bản quyền Tác giả đã tổ chức Chương trình Gameshow “Bản quyền và sáng tạo” lần thứ 3 cho các sinh viên trường đại học.

Gameshow diễn ra với sự tham gia tranh tài sôi nổi giữa 03 đội thi đến từ trường ĐH Luật TP. HCM, trường ĐH Văn Hóa TP.HCM và trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đây cũng là lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại TP. HCM (02 lần trước tổ chức tại Hà Nội).

Với 04 phần thi đầy cam go và thử thách: Chúng tôi là ai?; Chúng tôi hiểu biết (gồm 02 nội dung là Tôi yêu bản quyền và Nhanh tay nhanh trí); Chúng tôi sáng tạo; và Tài năng hùng biện, cuối cùng, đội thi đến từ trường ĐH Luật TP. HCM đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc. Giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về đội đến từ trường ĐH Tôn Đức Thắng và đội đến từ trường ĐH Văn Hóa TP. HCM.

Nói về ý thức chấp hành pháp luật, cụ thể là Luật Sở hữu trí tuệ trong sinh viên hiện nay, đại diện đội thi giành giải nhất chia sẻ: “Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM quan tâm. Nhà trường luôn tạo điều kiện giúp sinh viên tiếp cận cũng như nâng cao những hiểu biết về pháp luật thông qua các cuộc thi học thuật tại trường.”. Chiến thắng này của đội thi trường ĐH Luật TP. HCM cũng là một minh chứng cho phong cách “Sinh viên Luật đi đầu trong việc chấp hành và tôn trọng pháp luật”.

 

Nội dung: Ngọc Ngân

Hình ảnh: Nhật Minh

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh hiện đang giữ vị thế là trường đại học có uy tín về chất lượng đào tạo Luật tốt nhất khu vực phía Nam, các bạn sinh viên học tập tại trường không chỉ được trau dồi kiến thức pháp luật, mà còn được Nhà trường, Đoàn trường và Hội Sinh viên trường hỗ trợ, tạo điều kiện tổ chức, tham gia các hoạt động tuyên truyền, các buổi hội nghị, tọa đàm trao đổi về những vấn đề pháp lý mang tính thời sự và được quan tâm nhiều trong thời gian hiện nay. Cụ thể, tính từ tháng 08/2018 đến nay, 15 hoạt động hưởng ứng, tuyên truyền, tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật đã và đang được tổ chức tại trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật phổ biến và được triển khai nhiều nhất đến các bạn sinh viên đó chính là “Phiên tòa giả định”. Với những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm như trộm cắp tài sản, hành vi bạo lực, vi phạm giao thông…, “Phiên tòa giả định” đã tái hiện lại những tình huống đời thực một cách gần gũi, giúp các bạn sinh viên dễ dàng tiếp cận với những lập luận và tư duy pháp lý để từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc tuyên truyền. Thông qua những buổi diễn án ở các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố và tại địa phương, có thể khẳng định rằng đây là một hoạt động góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “thượng tôn pháp luật” đến với cộng đồng.

Tính đến thời điểm này, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra 04 hoạt động “Phiên tòa giả định” do Đoàn trường cùng Câu lạc bộ Phiên tòa tập sự tổ chức, bao gồm: Hoạt động diễn án trong Ngày hội Xin chào K43; Đề án tuyên truyền pháp luật tỉnh Bình Dương; Hoạt động diễn án tại địa phương và Hoạt động tuyên truyền pháp luật của Đội Ulaw - Cán bộ Đoàn – Hội chuyên tuyên truyền pháp luật Trung học phổ thông và địa bàn dân cư. Riêng hoạt động tuyên truyền của Đội Ulaw - Cán bộ Đoàn – Hội chuyên tuyên truyền pháp luật do Đoàn trường tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 8000 học sinh dưới nhiều hình thức đa dạng như kịch diễn đàn, phiên tòa giả định, câu chuyện pháp đình… tại hơn 10 trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, bên cạnh “Phiên tòa tập sự”, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh với các đề tài giá trị xoay quanh lĩnh vực pháp luật cũng đang liên tục được đẩy mạnh. Hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học đã được diễn ra trong Ngày hội Nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ XXIII vừa được tổ chức vào ngày 15/09/2018. Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, các bạn sinh viên trường còn được tạo cơ hội để thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình trong một số hoạt động như Hội nghị lấy ý kiến góp ý Luật Thanh niên sửa đổi được diễn ra trong tháng 10 vừa rồi. Rất nhiều chương trình, những buổi tọa đàm, diễn đàn pháp luật cũng đã liên tục được tổ chức mang đến cho sinh viên cái nhìn tổng quan hơn về nghề Luật và các lĩnh vực pháp lý, tiêu biểu như Buổi tọa đàm “Legal Talk” số đầu tiên với chủ đề “Tổng quan về nghề Luật”; Diễn đàn thông tin pháp luật quốc tế lần V bàn luận về “Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tác động đến thương mại toàn cầu” do Khoa Luật Quốc tế tổ chức...

Cũng trong học kỳ 1 năm học này, rất nhiều các sân chơi cấp trường và cấp liên trường về pháp luật cũng đã được tổ chức như: Cuộc thi Giảng đường pháp luật cấp liên trường (CLB Phiên tòa tập sự); Cuộc thi Đấu trí dân Luật năm 2018 (Đoàn khoa Luật Dân sự); Cuộc thi Olympic Quốc tế (Đoàn khoa Luật Quốc tế); Cuộc thi Tiếng nói cử tri (Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước); Cuộc thi Bản quyền và sáng tạo năm 2018; Hội thi Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật (Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh tổ chức). Bên cạnh đó, Đoàn trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh còn phối hợp với những tổ chức ngoài trường mang lại cho sinh viên những chương trình bổ ích, góp phần đem kiến thức pháp luật chuyên ngành đến với sinh viên một cách dễ dàng hơn. Một số chương trình tiêu biểu có thể kể đến: Ngày hội Sinh viên Luật với An toàn giao thông (Đoàn trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Honda Phát Tiến); Cuộc thi Phiên tòa giả định phiên bản Việt – VMoot cấp trường năm 2018; Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2018 (Đoàn trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đoàn Công ty Dịch vụ Mặt đất sân bay Việt Nam VIAGS).

Trong tháng 11 này, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tiếp tục vinh dự là đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi Phiên tòa giả định phiên bản Việt – VMoot cấp Quốc gia năm 2018. Cùng với đó, chuỗi hoạt động tuyên truyền pháp luật sẽ vẫn được diễn ra. Những hoạt động này không chỉ đơn thuần là thực hiện cuộc vận động “Phong cách sinh viên Luật” với tiêu chí “Sinh viên Luật đi đầu trong chấp hành và tôn trọng pháp luật”, đây còn là những đóng góp ý nghĩa, lan tỏa tinh thần “thượng tôn pháp luật” mà trường muốn mang đến cho cộng đồng.

 

Nội dung: Thùy Dương

Hình ảnh: Tổng hợp

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Vào lúc 18h00 ngày 02/11/2018, tại Hội trường A1002, trường ĐH Luật TP. HCM, cơ sở Nguyễn Tất Thành, buổi tọa đàm thứ nhất trong chuỗi chương trình “Legal Talk - Diễn đàn thông tin sự kiện pháp lý” với chủ đề “Tổng quan về nghề Luật” đã diễn ra trong sự hưởng ứng của đông đảo các bạn sinh viên.

Buổi tọa đàm hân hạnh có sự tham gia của:

- Về phía Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM:

+ Đ/c Nguyễn Đào Phương Thúy - Phó Bí thư Đoàn trường.

- Về phía quý vị khách mời - những diễn giả “xuất chúng”:

+ Ông Đặng Việt Anh - Luật sư Thành viên, Giám đốc Điều hành, Công ty Luật Dzung SRT & Asscociates;

+ Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Trưởng Phòng Pháp lý và Quan hệ Chính phủ, Ngân hàng HSBC;

+ Ông Đặng Xuân Hợp - Trọng tài viên.

Cùng sự hiện diện của hơn 300 bạn sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM.

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Đặng Xuân Hợp - Trọng tài viên đã có những chia sẻ tổng quan về nghề luật và sự lựa chọn nghề nghiệp. Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề luật sư, trọng tài viên, ông Hợp đã truyền tải đến các bạn sinh viên cách đi nhanh hơn, tốt hơn khi khởi đầu công việc với chuyên ngành Luật. Bên cạnh đó, ông còn phổ biến kiến thức về thị trường pháp lý, bao gồm các nhóm ngành: luật sư, công chức, giảng viên trong bộ môn Luật, pháp chế doanh nghiệp, v.v. Theo ông, dù là bất cứ ngành nghề nào, cơ hội mở ra luôn là vô cùng to lớn. Song, diễn giả cũng nhấn mạnh: “Càng nhiều quyền, càng nhiều trách nhiệm” và “Phải nhìn thấy được sự kì diệu của thành công thì mới giữ được đam mê với nghề”. Chính vì vậy, một sự chuẩn bị kĩ càng, có định hướng cũng như việc đặt ra câu hỏi cho bản thân: 5 năm sau mình muốn làm gì? Mình muốn là ai? … thực sự là những vấn đề cần được các bạn sinh viên lưu tâm đến.

Nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về những khó khăn, thách thức khi làm việc trong ngành Luật, đặc biệt là trong lĩnh vực tranh tụng, ông Đặng Việt Anh - Luật sư Thành viên, Giám đốc Điều hành, Công ty Luật Dzung SRT & Asscociates đã có những chia sẻ và lời khuyên chân thành đến các bạn sinh viên. Theo quan điểm của ông: “Muốn thành công, trước hết bản thân cần phải tìm được nghề mình thực sự yêu thích. Áp lực từ công việc là điều không thể tránh khỏi, song, chính những điều khó khăn lại là yếu tố giúp bạn chạm tay đến với những mục tiêu lớn hơn”. Ngoài những yếu tố kể trên, ông cũng dành cho các khán giả lời khuyên về việc tìm cho mình những người cộng sự phù hợp – một trong những thành tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công trong công việc, cuộc sống. Có thể hiểu thông điệp mà diễn giả muốn gửi gắm là: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Về mảng pháp chế doanh nghiệp, diễn giả Nguyễn Thị Kim Loan - Trưởng Phòng Pháp lý và Quan hệ Chính phủ, Ngân hàng HSBC, qua câu chuyện gần gũi, thú vị của chính mình, cũng đã mang đến những chia sẻ bổ ích nói lên những cơ hội và khó khăn khi hành nghề luật trong in-house company. Bà cho biết, tâm lý chung của các bạn sinh viên khi mới ra trường là muốn được làm những “việc trọng đại”, lớn lao mà quên mất việc mình không có kinh nghiệm thực tiễn nên dễ bị rơi vào trạng thái chán nản, bi quan. Đồng thời, điều quan trọng nhất của một sinh viên trường Luật là phải biết chớp lấy thời cơ, cần tìm hiểu kĩ, nắm rõ về lĩnh vực làm việc của mình, và đặc biệt là cần có tình yêu với nghề. Nếu không có sẵn năng lực, bạn buộc phải tự tạo ra nó. Cơ hội không chờ đợi bất kỳ ai, nhất là trong cuộc sống hiện nay.

Ở phần cuối của chương trình, các diễn giả đã giải đáp nhiều thắc mắc của các bạn sinh viên xoay quanh những vấn đề: du học, trách nhiệm của một người luật sư, … cùng nhiều khía cạnh khác. Các khách mời đã có những lí giải chân thành và thiết thực đến khán giả tham dự tọa đàm. Đặc biệt về việc du học - chủ đề được quan tâm hơn cả, mỗi diễn giả lại có những ý kiến riêng. Song, tất cả đều thống nhất rằng, việc đi du học hay không tùy thuộc vào cá nhân mỗi người. Đó là một cơ hội tốt, mở ra thành công trước mắt, khai sáng chúng ta về tri thức lẫn tư duy. Nhưng sau tất cả, những trải nghiệm, va chạm thực tế mới chính là yếu tố cần thiết nhất để người hành nghề Luật có thể đạt đến thành công.

Buổi tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình đến từ các bạn sinh viên. Hy vọng sau chương trình, các bạn sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM sẽ có được cái nhìn tổng quan hơn về nghề luật, đồng thời đặt ra cho mình những định hướng phát triển đúng đắn khi theo đuổi lĩnh vực này.

 

Nội dung: Sơn Giang, Ninh Giang

Hình ảnh: Mỹ Uyên, Thủy Tiên, Mạnh Hiếu, Trung Kiên

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Tags