Để nâng cao, cũng như có định hướng tốt cho các cán bộ Đoàn – Hội về tư tưởng, chính trị, vào lúc 18h ngày 27/9/2017 tại Hội trường A1002 đã diễn ra buổi học tập chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thực hiện thông báo số 3238 - TB/TĐTN-BTG ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường tổ chức học tập chuyên đề tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ Đoàn năm 2017. Ban thường vụ Đoàn trường Đại học Luật TP. HCM đã triển khai tổ chức hội nghị học tập chuyên đề tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ Đoàn - Hội năm 2017 nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ Đoàn - Hội.

 

Đến tham dự buổi học tập chuyên đề có sự hiện diện của TS. Trần Thị Rồi – Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản và Đ/c Nguyễn Trung Dương – UV. BTV, Phó Bí thư Đoàn trường cùng đông đảo các Đoàn viên, Hội viên.

Dưới sự hướng dẫn của TS. Trần Thị Rồi - Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản, các đồng chí Đoàn viên, các bạn Hội viên đã có một buổi học tập chuyên đề diễn ra trong không khí nghiêm túc và hiệu quả.

Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, là nguyên nhân gây ra các căn bệnh về đạo đức khác. Trong buổi học, TS. Trần Thị Rồi đã có những trao đổi hết sức chân thành và những bài học sâu sắc với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, mở ra một trang sách mới về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời trong buổi học, Tiến sĩ cũng thẳng thắn phê bình thực trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong tầng lớp sinh viên nói chung và các Cán bộ Đoàn – Hội nói riêng. 

Trong buổi học tập chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, các sinh viên tham gia đã được nói lên quan điểm của bản thân về vấn đề đạo đức, tác phong trong vai trò là sinh viên Luật. Khi khoác lên vai màu áo của Thanh niên nói chung và màu áo Ulaw nói riêng, mỗi người đều đã, đang và sẽ cống hiến cho ngôi trường mà mình đang học hết sức trẻ của mình, song song đó là không ngừng tu dưỡng đạo đức.

Hội nghị học tập chuyên đề đã hun đúc một ngọn lửa mới cho thế hệ xung phong, là nền tảng tư tưởng để các Đoàn viên – Hội viên phấn đấu và phát triển. Trong vai trò và chức vụ của mình, việc rèn luyện tư tưởng, đạo đức của các Đoàn viên - Hội viên là hết sức cần thiết. Với tấm gương sáng là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, bên cạnh một trái tim nóng thì chúng ta cần có một cái đầu lạnh, để cống hiến đúng chỗ, tư duy đúng lúc và bản lĩnh luôn vững vàng. 

 

Nội dung: Ban Tư tưởng - Văn hóa Đoàn trường

Hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Sáng nay (ngày 24/09/2017), tại Hội trường C302 cơ sở Nguyễn Tất Thành đã diễn ra Vòng chung kết cuộc thi Phiên tòa giả định cấp Trường Vmoot 2017.

Kế thừa và phát huy thành công từ các cuộc thi Phiên tòa giả định cấp Quốc tế - Châu Á – Thái Bình Dương năm 2009 và cuộc thi cấp Quốc gia các năm 2014, 2016, năm nay, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức cuộc thi Phiên tòa giả định phiên bản Việt – Vmoot cấp Trường nhằm tuyển chọn đại diện tham dự cuộc thi Vmoot cấp Quốc gia 2017.

Với tinh thần làm việc tích cực, các đội thi đã phát huy toàn bộ sức mạnh cá nhân cũng như tinh thần đồng đội trong kỹ năng thực hành pháp luật, bao gồm nghiên cứu hồ sơ vụ kiện, phân tích vấn đề, viết bài biện hộ và đặc biệt là kỹ năng tranh luận… để xuất sắc đi đến trận chung kết hôm nay với 02 đại diện xuất sắc: đội Ltd.Co và đội NVH.

Đến tham dự cuộc thi hôm nay, về phía Nhà trường, vinh dự được đón tiếp sự hiện diện của:

- PGS. TS. Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường;

- PGS. TS. Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế;

- ThS. Huỳnh Thị Thu Trang – Phó Trưởng Phòng Quản lý NCKH và HTQT;

- Đ/c Nguyễn Thành Bá Đại – Bí thư Đoàn trường;

- Đ/c Nguyễn Thái Cường – UV. BTV Đoàn trường, Giảng viên khoa Luật Dân sự;

- Đ/c Nguyễn Đào Phương Thúy – UV. BTV Đoàn trường, Giảng viên khoa Luật Quốc tế;

Cùng sự hiện diện của các thầy cô là giảng viên, chuyên viên của Trường, cũng như đông đảo các bạn sinh viên đã đến theo dõi và cổ vũ cho các đội thi.

Phần tranh tụng của 02 đội thi được đánh giá bởi Ban giám khảo cũng đồng thời là Hội đồng Trọng tài giả định, gồm có:

- PGS. TS. Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng Ban Chuyên môn cuộc thi Vmoot 2017;

- Ông Nguyễn Tiến Hòa – Luật sư Công ty Luật SBLaw;

- Bà Vũ Thu Hằng – Luật sư Công ty Luật HPLaw.

Trận chung kết diễn ra với phiên tranh tụng giữa đội Ltd.Co đại diện cho bên Nguyên đơn – Công ty Marina 08 và đội NVH đại diện cho bên Bị đơn – Công ty M-Service trong vụ việc tranh chấp liên quan đến Hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa các bên.

Trận chung kết đã diễn ra trong suốt 2 giờ tranh tụng vô cùng kịch tính với những lập luận chặt chẽ và thuyết phục từ phía các đội thi trước Hội đồng Trọng tài. Nhận xét về phần thể hiện của các thí sinh ngày hôm nay, Hội đồng Trọng tài đánh giá cao khả năng trình bày và phản biện cũng như phong thái và khả năng ứng biến đầy tự tin của các đội thi. PGS. TS. Trần Việt Dũng đánh giá: “Với sự chuẩn bị kĩ càng và nghiên cứu vấn đề sâu sắc, cả 2 đội đều đã thể hiện hết khả năng của mình. Cuộc cạnh tranh gay cấn ngày hôm nay đã mang đến cho khán phòng một phần thi mãn nhãn.”

Và cuối cùng, đội giành chiến thắng và trở thành đại diện cho Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tham gia cuộc thi Phiên tòa giả định phiên bản Việt Nam cấp Quốc gia năm 2017 đã được xác định, đó chính là đội NVH - gồm có các thành viên: Lê Trần Đức Huy, Lương Nguyễn An Nhiên và Trần Thị Thúy Vy. Đội Ltd.Co gồm Lê Thành Công, Ngô Quỳnh Anh Thư, Phạm Bảo Ngọc Lily và Nguyễn Ngọc Phương Dung đã giành Giải nhì chung cuộc.

Đội thi giành Giải Bài biện hộ xuất sắc nhất là Ten Members Minus gồm các thành viên: Huỳnh Văn Lâm, Bùi Bảo Khang và Trương Thị Diệp Linh.

Cuộc thi ngày hôm nay đã khép lại thành công tốt đẹp. Cùng chờ đón cuộc thi Phiên tòa giả định phiên bản Việt Nam Vmoot 2017 cấp Quốc gia sẽ được diễn ra vào tháng 11 sắp tới.

 

Nội dung: Thùy Dương, Hoàng Yến, Hoàng Quyên

Hình ảnh: Thủy Tiên, Nhật Minh, Mạnh Hiếu, Anh Dũng

 Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Những tuần vừa qua, từ khóa “Vmoot” chắc hẳn đang là từ khóa hot nhất và dành được nhiều sự quan tâm nhất của cộng đồng ULaw, đặc biệt là các bạn sinh viên đang có mong muốn được thử sức tại cuộc thi lớn này. Lần đầu tiên, Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức cuộc thi Phiên tòa giả định phiên bản Việt Nam Vmoot nhằm tạo cơ hội để các mooter tương lai trau dồi kinh nghiệm giải quyết các vấn đề pháp lý, viết bài biện hộ và nâng cao khả năng tranh tụng trong những vụ kiện phức tạp, đồng thời hỗ trợ hữu ích cho nghề nghiệp sau này.

Vào lúc 8h00 sáng ngày 23/9/2017, tại các giảng đường B202, B203, B301 và B302 cơ sở Nguyễn Tất Thành đã chính thức diễn ra Vòng tứ kết của cuộc thi Phiên tòa giả định Vmoot 2017. 08 đội thi xuất sắc nhất được chia thành 2 bảng A và B, lần lượt thi đấu với tư cách người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn và bị đơn. Đến với cuộc thi Vmoot hôm nay, thành phần Ban giám khảo là các giảng viên của Trường Đại học Luật TP. HCM và các luật sư đến từ các công ty luật, đoàn luật sư trong nước, bao gồm:  

- TS. Nguyễn Thái Cường – Giảng viên khoa Luật Dân sự;

- ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy – Giảng viên khoa Luật Quốc tế;

- ThS. Nguyễn Hoàng Phước Hạnh – Giảng viên khoa Luật Thương mại;

- Ông Ngô Quang Vũ – Công ty Luật Duane Morris LLP;

- Bà Huỳnh Hương Giang – Công ty Luật Audiers & Partners;

- Ông Nguyễn Tiến Hòa – Công ty Luật SBLaw;

- Bà Đặng Cửu Ngọc Huyền – Công ty Luật Hogan Lovells International LHP;

- Bà Đặng Hoài Phương Trâm – Công ty Luật Baker & McKenzie;

- Bà Ngô Chí Hoàng Yến – Công ty Luật Baker & McKenzie;

- Bà Lê Ngọc Bảo Trang – Công ty Luật Allens Linklaters Vietnam;

- Ông Nguyễn Thế Đức Tâm – Cựu Mooter.

Đến với sân chơi này, các mooter ngoài sự am hiểu về pháp luật, tư duy phản biện nhanh nhạy trong mọi tình huống còn phải có cho mình kỹ năng lập luận sắc bén và đầy sức thuyết phục. Sau các vòng thi gay cấn và không kém phần quyết liệt, cuối cùng hai đội thi tài năng và sáng giá nhất giành được tấm vé bước vào Vòng chung kết cuộc thi đã chính thức lộ diện. Đó là đội Ltd. Co gồm các thành viên: Lê Thành Công (CLC39); Ngô Quỳnh Anh Thư (CLC39B); Phạm Bảo Ngọc Lily (CLC39B); Nguyễn Ngọc Phương Dung (CLC39B) và đội NVH với các thành viên: Lê Trần Đức Huy (HC39); Lương Nguyễn An Nhiên (CLC40A); và Trần Thị Thuý Vy (CLC40E).

 

 

Chúc mừng hai đội Ltd. Co và NVH đã có những phần thể hiện xuất sắc để đứng trước cơ hội trở thành đại diện Trường Đại học Luật TP. HCM tham gia cuộc thi Phiên toàn giả định phiên bản Việt Nam Vmoot cấp quốc gia. Vòng chung kết Vmoot cấp trường sẽ diễn ra vào sáng mai (ngày 24/9/2017) tại Hội trường C302, cơ sở Nguyễn Tất Thành và hy vọng rằng hai đội thi sẽ tiếp tục cống hiến cho Ban giám khảo và khán giả một trận thi đấu chung kết gay cấn và hấp dẫn.

  

Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Khẳng định được vị thế khi là ngôi trường đứng đầu bảng Top 10 trường ĐH hạnh phúc nhất TP.HCM theo chỉ số hài lòng sinh viên SSI (do công ty cổ phần chỉ số tín nhiệm EBIV thực hiện), trường ĐH Luật TP.HCM – vốn được biết đến là cơ sở đào tạo pháp lý trọng điểm của khu vực miền Nam đã trải qua chặng đường 21 năm hình thành và phát triển. Trong đó, những thành tích đã gặt hái được của Nhà trường có sự đóng góp không nhỏ của phong trào Đoàn – Hội vững mạnh. Hoạt động Đoàn – Hội chất lượng, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng sâu rộng của sinh viên chính là một điểm sáng, thể hiện hướng đầu tư nghiêm túc của Nhà trường vào một môi trường học tập và rèn luyện lành mạnh, toàn diện, phát huy được sự năng động, sáng tạo của sinh viên Luật. 

Quá trình hình thành 

Trước năm 1996, Đoàn TNCS trường ĐH Luật TP.HCM tồn tại dưới hình thức cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM. Kể từ ngày 30/03/1996, trường ĐH Luật TP.HCM chính thức được thành lập. Cùng với việc mở rộng quy mô đào tạo của Nhà trường, số lượng Đoàn viên cũng tăng lên đáng kể (số lượng sinh viên hệ chính quy của trường ở mức ổn định khoảng hơn 4.600, trong đó, số lượng Đoàn viên do Đoàn trường quản lý chiếm đến 97,34%). 

Trước tình hình đó, tháng 6/1996, BTV Thành Đoàn TP.HCM ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TC/96 về việc công nhận Đoàn trường ĐH Luật TP.HCM trở thành Đoàn tương đương cấp Quận, huyện. Trên cơ sở đó, ngày 22/12/1997, Hội Sinh viên trường cũng được thành lập, theo đó mặt trận tập hợp sinh viên ngày càng được mở rộng. Đây chính là cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của phong trào Đoàn – Hội trường ĐH Luật TP.HCM. Đoàn – Hội trường ĐH Luật TP.HCM tính đến nay đã trải qua 08 nhiệm kỳ và có những bước phát triển vượt bậc, vững chắc và mạnh mẽ. 

 

 

Sứ mệnh của Đoàn – Hội

Đoàn trường và Hội Sinh viên trường là những cánh tay đắc lực của trường ĐH Luật TP.HCM trong việc tập hợp cũng như hỗ trợ Đoàn viên, Hội viên, sinh viên trong học tập, rèn luyện nhằm hoàn thành nhiệm vụ đặt ra của người sinh viên, góp phần xây dựng Nhà trường ngày một vững mạnh. Với sứ mệnh chăm lo cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của sinh viên, đồng thời giáo dục lý tưởng, truyền thống đạo đức lối sống và ý thức pháp luật, Đoàn – Hội trường ĐH Luật TP.HCM cũng là đơn vị tiếp thu những phản ánh về nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên để trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy – Ban giám hiệu Nhà trường, cũng như phát động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của sinh viên, là cầu nối giữa thanh niên với Đảng. 

Cơ cấu tổ chức

Đoàn trường hiện có 06 Ban, Bộ phận trực thuộc (Ban Truyền thông; Ban Phong trào; Ban Học tập và nghiên cứu khoa học; Ban Tổ chức - Xây dựng Đoàn; Ban Tư tưởng - Văn hóa; và Bộ phận Văn phòng), 08 Đoàn khoa (Đoàn khoa Luật Quốc tế, Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đoàn khoa Quản trị, Đoàn khoa Luật Thương mại, Đoàn khoa Luật Dân sự, Đoàn khoa Luật Hình sự, Đoàn Các chương trình đào tạo đặc biệt) và 06 Câu lạc bộ (CLB) trực thuộc (CLB Phiên tòa tập sự; CLB Sử học trẻ; CLB Tiên phong; CLB Văn hóa dân gian; CLB Quốc tế thanh niên; và Moot Community).

Hội Sinh viên trường có 05 Ban, Bộ phận trực thuộc gồm: Ban Học tập và phát triển sinh viên 5 tốt; Ban Hỗ trợ; Ban Phong trào; Ban Tổ chức - Xây dựng Hội; và Bộ phận Văn phòng. Cùng với đó là các Liên chi Hội khoa và 12 CLB - đội - nhóm trực thuộc trải dài trên tất cả các hoạt động thể thao, văn nghệ lẫn chuyên môn. 

Chặng đường phát triển và những thành quả đạt được

Trong những năm qua, Đoàn – Hội trường đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời và sâu sát của Đảng ủy - Ban Giám hiệu Nhà trường, Đoàn – Hội cấp trên; sự tham gia nhiệt tình của Đoàn viên, Hội viên, sinh viên và tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác tốt của Cán bộ Đoàn – Hội các cấp; sự ủng hộ, giúp đỡ của các thầy cô trong trường cũng như các thế hệ cựu sinh viên, các đơn vị, công ty, doanh nghiệp. Nhờ đó, công tác Đoàn – Hội luôn bám sát định hướng, phát huy được sức mạnh nội lực và gặt hái được nhiều thành quả to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Đầu tiên, về giáo dục chuyên môn, định hướng nghề nghiệp, Đoàn – Hội trường đã đi đầu trong đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động về nhiều mặt, tạo nhiều sân chơi cho sinh viên rèn luyện kiến thức, kỹ năng chuyên môn, có thêm kinh nghiệm thực tiễn cũng như hỗ trợ lập thân, lập nghiệp.

• Hoạt động tuyên truyền pháp luật trở thành nét đặc trưng của sinh viên ĐH Luật TP.HCM, được thực hiện thông qua các hình thức đa dạngnhư phiên tòa giả định, câu chuyện pháp đình, phát thanh tuyên truyền, chuyến xe pháp luật,… Các hoạt động, các công trình thanh niên bài bản và thiết thực của Đoàn trường về mảng công tác này đã được Thành Đoàn TP. HCM đánh giá cao như: Đội hình Cán bộ Đoàn – Hội thực hiện tuyên truyền Pháp luật tại các trường THPT; hoạt động tuyên truyền pháp luật của các chiến sĩ trong các chiến dịch tình nguyện; giao lưu học thuật trong “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”; Bộ Brochure tuyên truyền pháp luật,…

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đám đông

• Đa dạng các cuộc thi học thuật về chuyên môn Luật học cũng như về tiếng Anh đã được đầu tư nghiêm túc với mô-tip sáng tạo, đi sát với thực tiễn và kiến thức được học trên giảng đường. Đặc biệt là các cuộc thi phiên tòa giả định cấp trường và cấp quốc gia Moot Court Competition được duy trì tổ chức thường niên, tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm vai trò luật sư tranh tụng trước Tòa án giả định hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

• Phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên và hỗ trợ sinh viên tham gia NCKH của tổ chức Đoàn – Hội cũng là một điểm nhấn, thể hiện rõ rệt ở kết quả số lượng sinh viên tham gia NCKH tăng đều qua các năm và chất lượng của các đề tài cũng được ngày một nâng cao, đạt được nhiều thành tích của trong giải thưởng NCKH cấp Thành, cấp Bộ cũng như đóng góp nhiều giải pháp có giá trị.

Bên cạnh đó, các hoạt động phong trào từ cấp trường cho đến cấp cơ sở đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi,giải trí cho sinh viên như Hội trại truyền thống; các cuộc thi “Tiếng hát sinh viên Luật”, “Tài năng quốc phòng”, “Giải bóng đá Đoàn – Hội”, “Hội thao sinh viên Luật”, “Ngày chung đôi” (Đoàn khoa Luật Dân sự), “Ulaw Race” (Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước),…

Trong hình ảnh có thể có: 8 người, mọi người đang cười, trong nhà

02 chiến dịch tình nguyện lớn thường niên là “Mùa hè xanh” và “Xuân tình nguyện” cùng số lượng đáng kể các chương trình tình nguyện cấp Đoàn khoa, cấp chi đoàn hay hoạt động của Đội Công tác xã hội chính là điểm đến quen thuộc cho các bạn sinh viên mong muốn trải nghiệm và đóng góp công sức vào những hành động có ích vì cộng đồng.

 

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ sinh viên của tổ chức Đoàn – Hội cũng ghi nhận nhiều kết quả trong mọi khía cạnh, từ tìm chỗ trọ, tìm việc làm thêm cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên mua vé tàu về quê ăn Tết đến trao các suất học bổng cho sinh viên nghèo, sinh viên vùng lũ lụt, thiên tai. Quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên Luật được thành lập và duy trì tốt cho đến thời điểm hiện tại, cũng đã góp phần đồng hành cùng Đoàn viên, Hội viên, sinh viên với những sự hỗ trợ kịp thời.

Công tác giáo dục chính trị – tư tưởng tiếp tục được đầu tư đúng mức với nhiều diễn đàn mở để sinh viên trao đổi về lý tưởng thanh niên trong giai đoạn hiện nay, về các vấn đề thời sự, an ninh sinh viên. Hằng năm, Đoàn – Hội trường cũng tham mưu và tạo các diễn đàn trao đổi giữa Đảng uỷ – Ban Giám hiệu Nhà trường cũng như chính BTV Đoàn trường, BTK Hội Sinh viên trường với sinh viên trong tất cả các năm học để nắm bắt nhu cầu và tâm lý chung. Ngoài ra, các hội thi về Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh do Thành Đoàn, Đoàn trường tổ chức đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia và tìm hiểu. Đặc biệt, về giáo dục đạo đức lối sống trong sinh viên, tiêu biểu nhất là Đoàn trường đã tiến hành cuộc vận động “Phong cách sinh viên Luật” trong quy mô toàn trường (đã được nâng lên thành chương trình từ năm 2012) với 04 tiêu chí: Sinh viên Luật học tập nghiêm túc, chất lượng; Sinh viên Luật ứng xử văn hóa, văn minh; Sinh viên Luật đi đầu trong chấp hành và tôn trọng pháp luật; Sinh viên Luật chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, từ đó góp phần xây dựng hình ảnh sinh viên Luật trong mắt cộng đồng xã hội. Song song với đó, cuộc vận động “Phong cách cán bộ Đoàn - Hội” hay cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” cũng được Đoàn – Hội trường triển khai mạnh mẽ, tạo động lực cho Đoàn viên, Hội viên, sinh viên phấn đấu. Đoàn – Hội trường cũng tiên phong trong các hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường như “Ngày đi học không xe máy” hay “Ngày chủ nhật xanh”.

Đồng thời, Đoàn – Hội cũng không ngừng chú trọng công tác xây dựng tổ chức, thể hiện qua quy chế đánh giá chất lượng Cán bộ Đoàn cùng với các đợt tập huấn đã góp phần đào tạo, phát triển những thế hệ Cán bộ Đoàn – Hội bản lĩnh và tài năng, kế thừa được thành quả và sứ mệnh của Đoàn trường, Hội Sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM. 

Những thành tích đáng tự hào

Với những nỗ lực và thành quả kể trên, Đoàn trường đã xuất sắc 06 lần đuợc Thành Đoàn TP.HCM trao cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc dẫn đầu công tác Đoàn và phong trào thanh niên, 05 lần đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Đặc biệt, năm 2003, Đoàn trường Đại học Luật TP.HCM còn vinh dự nhận Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước. Về phía Hội Sinh viên trường, Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã khen tặng danh hiệu Lá cờ đầu cho đơn vị xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên trong 03 năm liền 2002 – 2003, 2003 – 2004 và 2004 – 2005; 05 lần là Đơn vị xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên Thành phố, trong đó có 4 năm liên tiếp; được UBNDTP.HCM tặng cờ cho Đơn vị xuất sắc năm 2004.  

Với bề dày thành tích cũng như sự phấn đấu không ngừng, Đoàn trường, Hội Sinh viên trường ĐH Luật TP.HCM luôn khẳng định vai trò là người bạn đồng hành đáng tin cậy của Đoàn viên, Hội viên, sinh viên – nơi khởi nguồn những giải pháp sáng tạo, những sân chơi bổ ích, cũng là nơi tập hợp và là mái nhà chung của sinh viên trường. Phong trào Đoàn – Hội luôn và sẽ mãi là niềm tự hào của mỗi sinh viên ĐH Luật TP.HCM.

Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường 

Write comment (1 Comment)

Với xu hướng không ngừng hội nhập, tạo môi trường để giao lưu văn hóa và học tập giữa sinh viên trường Đại học Newcastle và sinh viên trường Đại học Luật TP. HCM, vào lúc 14h hôm nay, ngày 18/09/2017 tại giảng đường B201 cơ sở Nguyễn Tất Thành, đã diễn ra buổi giao lưu và làm việc giữa đoàn giảng viên và sinh viên trường Đại học Newcastle (Úc) và trường Đại học Luật TP. HCM.

Buổi giao lưu trân trọng được đón tiếp các vị khách đặc biệt: Về phía trường Đại học Newcastle có sự hiện diện của Ông Daniel Matas - Chuyên viên pháp lý của Trung tâm Pháp lý trường đại học Newcastle và Bà Sarah Breusch - Giảng viên trường đại học Newcastle cùng với 12 sinh viên ngành luật trường đại học Newcastle, Australia. Về phía trường Đại học Luật TP.HCM có sự hiện diện của TS. Nguyễn Thái Cường – Giảng viên khoa Luật Dân sự, các thành viên của các CLB Tiếng Anh, CLB Quốc tế thanh niên và sinh viên khoa Các chương trình Đào tạo Đặc biệt.

Trong buổi giao lưu, TS. Nguyễn Thái Cường đã giới thiệu đôi nét về chương trình giảng dạy, xu hướng phát triển, cơ sở vật chất cũng như chất lượng đào tạo của trường Đại học Luật TP.HCM và các hoạt động học tập của sinh viên trường. Đại diện Trường Đại học Newcastle, ông Daniel Matas cũng giới thiệu về chương trình học các ngành nói chung và  ngành Luật của trường nói riêng. Qua đó, ông cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà trường và các bạn sinh viên đã dành thời gian đón tiếp đoàn tham quan.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Daniel Matas bày tỏ quan điểm muốn giao lưu học hỏi, biết được nhiều hơn từ chương trình giảng dạy ngành Luật của trường, tìm hiểu về các hoạt động học tập, các hoạt động xã hội, các hoạt động phong trào của sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM. Đây là cơ hội để sinh viên trường Đại học Luật TP. HCM tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường học tập của nước bạn.

Buổi giao lưu của hai trường đã diễn ra trong không khí thân mật và sôi nổi. Các sinh viên đến từ trường Đại học Newcastle cũng thể hiện sự yêu mến đối với con người và đất nước Việt Nam thông qua chuyến “study tour” của họ tại Việt Nam trong dịp này. Các bạn đã đặt ra và trao đổi rất nhiều các câu hỏi xoay quanh môi trường sống, học tập và làm việc, cùng chia sẻ lẫn nhau về nền văn hóa và bản sắc dân tộc của từng quốc gia.

Tiếp đó, đoàn giảng viên và sinh viên trường Đại học Newcastle đã có dịp tham quan thư viện của trường Đại học Luật TP. HCM dưới sự chỉ dẫn, giới thiệu của giảng viên, thủ thư của trường. Đến với thư viện của trường, sinh viên nước bạn không giấu được sự ngạc nhiên và thích thú về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị hiện đại của thư viện trường Luật. Tại thư viện, các bạn sinh viên Úc có thể tìm thấy nhiều tài liệu về luận văn tiến sĩ phục vụ cho nghiên cứu một số chuyên ngành Luật, tạp chí chuyên ngành, báo chí về văn hóa, giải trí hoặc dễ dàng tìm thấy các tài liệu về nhân quyền với 03 ngôn ngữ: Anh, Việt, Pháp. Sự đa dạng và phong phú về nguồn tài liệu mà thư viện Đại học Luật đang phục vụ đã khiến các sinh viên nước bạn tỏ ra rất hào hứng và luôn đặt câu hỏi trao đổi kiến thức Luật bằng tiếng Anh, nói về hệ thống pháp Luật của Việt Nam và hệ thống Thông Luật của Mỹ cũng như sự ảnh hưởng của văn hóa của hai quốc gia tới pháp luật. Các bạn sinh viên Đại học Luật luôn tỏ ra nhiệt tình và tạo điều kiện cho các bạn tìm hiểu nhiều hơn về thư viện trường. Ngoài ra, các bạn sinh viên Luật còn giới thiệu về cuộc thi Moot Court mang tầm quốc gia, từng đoạt giải cao bởi các bạn sinh viên trong trường.

Đoàn giảng viên và sinh viên hai trường tiếp tục tham quan các nơi hữu ích, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu như Trung tâm học liệu, Alo Văn phòng phẩm. Cuối buổi giao lưu, các giảng viên và sinh viên hai trường đã cùng chụp ảnh lưu niệm, thể hiện tình thân ái, tinh thần đoàn kết và giao lưu của sinh viên hai nước.

Chuyến tham quan trường khép lại với bao sự lưu luyến và thân ái của sinh viên hai nước. Vượt qua rào cản về ngôn ngữ và địa lý, các bạn sinh viên trường Đại học Newcastle và trường Đại  học Luật TP. HCM đã có một buổi giao lưu và học hỏi vui vẻ bên nhau. Hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho một mối quan hệ song phương tốt đẹp, bền vững và ngày càng thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa sinh viên hai nước Việt Nam – Australia.

 

Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Tags