Tâm sự với chúng tôi nhiều về những ngày đầu gặp gỡ gia đình Công tác xã hội (CTXH) và nỗi trăn trở về tương lai của gia đình ấy, buổi trò chuyện đầy cảm xúc cùng Minh Hiếu – nguyên đội trưởng đội CTXH có thể phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về một tấm gương sinh viên Luật đam mê và cống hiến hết mình cho phong trào và hoạt động tình nguyện của trường.

-  Chào Minh Hiếu, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân không?

Tên đầy đủ của mình là Phạm Thị Minh Hiếu, mình vừa hết nhiệm kì vào tuần trước nên hiện giờ mình đang là nguyên đội trưởng đội CTXH.

 

Nếu chỉ dùng 3 tính từ để nói về bản thân thì bạn sẽ chọn những tính từ nào?

Thật ra thì mình ít khi tự nghĩ về bản thân nhưng theo những người khác nhận xét thì thứ nhất là “bản lĩnh”, có thể mọi người thấy mình là con gái mà làm đội trưởng nên họ nghĩ vậy. Thứ hai thì chắc là “mạnh mẽ” còn thứ ba là “nghiêm khắc”. Mình ít khi nghiêm khắc hay cầu toàn với bản thân nhưng trong công việc thì đòi hỏi phải nghiêm khắc. Nghiêm khắc không có nghĩa là khó, bình thường thì mình cũng rất vui vẻ nhưng khi làm việc với mình thì phải cực kì nghiêm túc, à mình nghĩ dùng từ nghiêm túc thì có vẻ hợp lí hơn. (cười)

 

Mọi người đều nghĩ đến bạn là một người mạnh mẽ, bản lĩnh, vậy có khi nào tham gia hoạt động Minh Hiếu trở nên yếu lòng chưa?

Dĩ nhiên là có rồi, người ta thường bảo là con gái dù mạnh  mẽ đến đâu thì cũng có lúc mềm yếu. Trong 4 năm hoạt động có những lúc tưởng như mình sắp ngã gục. Khi gặp khó khăn trong công việc hay những lúc cảm thấy việc học của mình không tốt bởi mình dành quá nhiều thời gian cho hoạt động. Lúc đó lại nghĩ đến bố mẹ, bố mẹ cho tiền mình ăn học mà việc mình đang làm lại chẳng phải điều bố mẹ mong muốn. Bạn bè cũng hỏi sao còn chưa đi thực tập, bạn mình thì đi thực tập từ lâu rồi. Nói chung thật sự mình vẫn lạc quan vì công việc mình làm cũng mang lại cho mình rất nhiều thứ nhưng vẫn có những lúc yếu đuối rồi tự hỏi mình đang làm gì vậy, công việc này có mang lại lợi ích gì cho tương lai của mình không? Công việc không có, thực tập không có, kiến thức không có. Mình đã từng suy nghĩ rất nhiều.

Những lúc như vậy, bạn đã làm cách nào để vực dậy được tinh thần?

Đối với mình, ngoài sở thích và đam mê ra thì mình còn làm việc vì trách nhiệm. Không phải nói mình là người có trách nhiệm mà sự thật là trách nhiệm đè lên vai mình rất nặng. Trong 4 năm hoạt động thì chỉ có năm đầu tiên là mình hoạt động với đam mê, còn bắt đầu từ năm 2, năm 3 trở đi thì rất nhiều công việc dồn tới  khiến mình làm việc hoàn toàn vì trách nhiệm. Hết 80% là trách nhiệm còn đam mê chỉ là cái ban đầu. Câu mà mình hay nói với các bạn trong đội đó là: “Mình bắt đầu bằng đam mê nhưng mình sẽ tiếp túc và kết thúc nó bằng trách nhiệm” nên khi gặp khó khăn mình phải nghĩ: “Bây giờ mình không làm thì ai làm? Bây giờ mọi người nản, mình cũng nản theo thì ai sẽ là người vực dậy?”. Từ ngày đảm nhiệm vị trí đội trưởng thì trách nhiệm càng cao hơn, mỗi lần nản lòng mình phải tự nhắc nhở bản thân là mình phải có trách nhiệm, mình phải làm, không được bỏ thì mình sẽ tiếp tục được thôi.

 

Không biết cái duyên nào đã đưa Minh Hiếu đến với Đội Công tác xã hội (CTXH) và chọn gắn bó trong suốt quãng thời gian Đại học?

Đúng thật là đến với đội CTXH là có duyên. Ngày mới nhập học mình có nhận được một tờ rơi của đội CTXH thông báo tuyển thành viên cho một chương trình tình nguyện quy mô nhỏ, lúc đó tờ rơi còn in trắng đen. Mình tham gia phỏng vấn và được trở thành thành viên của chương trình đó.

Ngày đầu tiên đi học cũng là ngày đầu tiên mình đi tập đội nên những người trong đội CTXH cũng là những người đầu tiên mình quen trong môi trường Đại học này. Mà cái gì đầu tiên cũng luôn để lại trong mình nhiều ấn tượng nhất. Cái duyên là được gặp những con người trong đội CTXH và mình cảm thấy rất muốn gắn bó với họ. Hồi năm nhất, mình cũng từng là thành viên của Ban phong trào Đoàn trường cũng đã phỏng vấn vào CLB Phiên tòa tập sự, tham gia Hội sinh viên trường,… Nhưng sau đó mình cảm thấy cần phải chọn một và xác định là mình thích cái nào nhiều hơn. Cuối cùng mình chọn CTXH và bỏ hết tất cả những thứ khác.

 

- Ngoài chức vụ là Đội trưởng đội CTXH, bạn từng đảm nhiệm vai trò là Đội trưởng trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2015. Hình như đối với Minh Hiếu không có khái niệm “chân yếu tay mềm” thì phải?

Đúng rồi, mình nghĩ là không có khái niệm “chân yếu tay mềm” nhưng theo nghĩa bóng thôi chứ theo nghĩa đen thì làm sao một mình có thể khiêng nổi cái bàn (cười). Đối với mình, người tồn tại lâu nhất là người biết thích nghi với môi trường chứ không phải là người giỏi nhất. Những lúc cần giúp đỡ mình sẽ không ngại gọi “anh ơi” , “chị ơi”, “em ơi” để được hỗ trợ. Vì mình là một người đi lên theo tuần tự chứ không phải là tay ngang, từ chiến sĩ mình lên hậu cần, lên đội phó rồi mới lên đội trưởng, xong từ đội trưởng CTXH mình mới qua làm đội trưởng MHX, cả một quá trình rèn luyện nên mình có thể hiểu được khó khăn của mọi người  và mình hiểu nếu mình yếu đuối thì ai sẽ lo cho đội. Thật sự là con gái nhiều lúc cũng muốn “chân yếu tay mềm” nhưng mình phải biết lúc nào không được như vậy. Ví dụ khi gặp mọi người thì mình rất mạnh mẽ nên mọi người sẽ nghĩ mình bản lĩnh nhưng đối với người yêu thì lại khác, mình không cần phải mạnh mẽ nữa: “Anh ơi, hôm nay em mệt lắm!” (cười).

 

Được biết trong nhiệm kì vừa qua, đội CTXH đã có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động, bạn có thể chia sẻ về sự chuyển mình này của đội trong thời gian qua như thế nào không?

Trước đây khoảng một năm đã có rất nhiều anh chị muốn thực hiện điều này nhưng vì chưa đủ lực cũng như chưa có đủ những người cộng sự nên rất khó. May mắn là đến thế hệ của mình thì Ban điều hành đều là những người rất phù hợp và có năng lực để có thể phát triển đội CTXH với một hình ảnh mới. Trước đây thì cứ đi theo những cái rập khuôn, có sẵn của các thế hệ trước, đến nhiệm kỳ mình làm đội trưởng thì cả đội muốn thay đổi. Vì đơn giản là những gì đã cũ, không còn phù hợp thì chắc chắn sẽ bị đào thải, nếu nhiệm kỳ của mình không thay đổi thì sớm muộn đội CTXH cũng sẽ bị đào thải ra khỏi các CLB đội nhóm trực thuộc Hội sinh viên trường cũng như đánh mất vị trí của mình trong trường.

Cơ cấu mới của đội CTXH gồm có 5 ban: Ban đối ngoại, Ban trường kì, Ban kĩ năng, Ban hỗ trợ và Ban truyền thông. Mỗi ban có một vai trò riêng nhưng trong quá trình hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mục đích lập ra Ban kỹ năng là mong muốn giúp đỡ sinh viên trưởng thông qua tổ chức các buổi hội thảo, chương trình lớn để giáo dục cách sống, tập huấn kĩ năng,… Tuy cần thiết nhưng thực tế lại không được duyệt vì “lấn sân” của các Ban, bộ phận khác như Ban hỗ trợ của Hội sinh viên trường. Ban hỗ trợ của đội cũng gặp khó khăn tương tự như vậy. Cho nên mặc dù rất đau lòng nhưng 2 ban là Ban kỹ năng và Ban hỗ trợ phải tạm dừng hoạt động. Mình hy vọng thế hệ sau sẽ cố gắng phục hồi lại 2 ban đó.

 

Khi đưa ra quyết định thay đổi cơ cấu tổ chức của đội thì Minh Hiếu đã gặp phải những khó khăn gì?

Thực sự là gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn cho Ban điều hành trong việc quản lý nhân sự, quản lý cộng tác viên. Khó khăn là làm sao để nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ các anh chị trong Ban điều hành nhiệm kỳ trước và các bạn sinh viên chấp nhận được mô hình mới để cùng tham gia chương trình hay chiến dịch của đội. Mình cũng gặp khó khăn lớn trong việc quyết định phân chia cơ cấu tổ chức thành các ban gì, ban đó có vai trò gì, mục đích và cách thức hoạt động ra sao. Với vai trò là người đội trưởng, lúc đó mình phải suy nghĩ tìm ra hướng đi và biến nó thành phương án cụ thể.

- Trong thời gian hoạt động bạn cảm thấy mình “cho đi” nhiều hơn hay “nhận lại” nhiều hơn?

Mình nghĩ là mình nhận lại nhiều hơn. Có thể khẳng định một điều rằng tất cả những gì mình có hiện giờ: tên tuổi, địa vị, sự yêu thương, tin tưởng của mọi người gần như tất cả đều nhờ đội CTXH. Cái duyên để được làm đội trưởng MHX cũng vậy. Nếu như ngày đó mình không là đội trưởng đội CTXH thì sao mình được biết đến và được mời làm đội trưởng MHX. Sau chiến dịch MHX, một chiến dịch có sức lan tỏa lớn, mọi người lại biết đến mình, biết đến đội CTXH nhiều hơn, đó là do bản thân mình cố gắng nỗ lực, tuy nhiên mình vẫn luôn nhớ cái gốc của mình là ở đâu. Có thể nói tất cả đều nhờ CTXH và nhờ vào chính nỗ lực của bản thân mình.

 

Trải qua 4 năm Đại học với rất nhiều hoạt động tình nguyện, nếu được quay lại Minh Hiếu có lựa chọn cho mình một hướng đi khác không?

Hiện tại nếu có cơ hội thay đổi, mình sẽ dành một ít thời gian cho CTXH và một ít thời gian cho việc học và làm việc ở bên ngoài như đi làm thêm, đi thực tập, dành nhiều thời gian cho tuổi trẻ hơn như đi chơi, đi phượt. Nhưng thật sự giữa nhiều  lựa chọn khác hấp dẫn hơn, nếu được chọn lại mình vẫn chọn đội CTXH.

 

Theo Minh Hiếu, tố chất nào giúp một người có thể thành công ở cương vị lãnh đạo?

Theo mình nghĩ có hai thứ là SỰ CHÂN THÀNH và TƯ DUY THỰC TẾ. Muốn lãnh đạo tốt cần phải thực tế, phải biết tính toán con đường cho mình: xác định mình phải làm gì, sau đó dùng cái tâm hết lòng để đạt được kết quả.

Tuy nhiên, tính toán phải trong khuôn khổ và phải dùng cái tâm để chinh phục lòng người. Mình luôn chấp nhận chuyện người ta sẽ đánh giá mình mưu mô theo hướng tiêu cực nhưng mình sẽ dùng chính những gì bản thân làm được để minh chứng cho họ thấy cái tâm của mình. Khi là người lãnh đạo phải công tư phân minh vì nếu để tình cảm xen vào sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ: ảnh hưởng đến công việc của mình, ảnh hưởng đến cách nhìn của người ta dành cho mình. Mọi người nhận xét Minh Hiếu thay đổi, không còn nhận ra một Minh Hiếu hậu cần của ngày xưa nữa, mình chấp nhận sự đánh giá đó để nhận lại kết quả rằng hiệu quả làm việc của đội CTXH sẽ tốt hơn.

 

Có ý kiến cho rằng hiện nay nhiều bạn tham gia hoạt động tình nguyện theo phong trào, vậy bạn suy nghĩ thế nào là làm tình nguyện đích thực?

Với mình, chỉ có một chữ, đó là chữ TÂM. Làm tình nguyện thì phải có Tâm, tình nguyện là tự giác, phải thực sự muốn làm thì mới dành hết cái tâm cho công việc.

Khi phỏng vấn mình sẽ chọn một bạn có tâm, có tinh thần, làm cho người phỏng vấn nhận thấy được bạn muốn cống hiến và khao khát được cống hiến. Thứ hai, mình muốn tìm ra những người có trách nhiệm. Năng lực đối với mình không quan trọng, nó chỉ là 1 điều kiện ưu tiên hơn để giữ các chức vụ cao hơn trong chiến dịch mà thôi. Thứ ba là chăm chỉ và siêng năng, đó mới đúng với tinh thần làm FREE. (cười)

Mình thấy các bạn bây giờ ngày càng giỏi hơn các anh chị đi trước rất nhiều. Hiện tại các bạn đã giỏi rồi thì sau này phải giỏi hơn nữa, phải có trách nhiệm với tổ chức, với nhà trường, với xã hội vì một người có tài năng nhưng không có trách nhiệm thì cũng không được. Bác Hồ cùng đã nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

 

- Với tư cách là nguyên Đội trưởng Đội CTXH, lời nhắn nhủ của Minh Hiếu gửi đến đội và lời chúc dành cho Đoàn trường nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn và 20 năm thành lập trường ĐH Luật Tp. HCM?

 Đối với đội CTXH, Minh Hiếu hy vọng trong tương lai đội sẽ phát triển hơn bây giờ, mạnh mẽ và phồn vinh hơn.

Đối với Đoàn trường, mình không gắn bó nhiều nhưng mình thích Đoàn trường thông qua những con người của tổ chức, mình cảm nhận qua tình cảm. Thông qua những con người mà mình biết thì họ đang cố gắng nỗ lực để đổi mới, mình hy vọng những cố gắng của mọi người sẽ đạt kết quả tốt. Và mình xin chúc cho Đoàn trường ngày càng phát triển, hy vọng Đoàn trường sẽ luôn giữ được vị trí là một trong hai tổ chức sinh viên lớn nhất của trường.

Đối với nhà trường, mình nghĩ rằng hai mươi năm là cột mốc quan trọng, chúc cho Nhà trường luôn giữ được vị trí của mình là một trong hai cơ sở đào tạo cán bộ tư pháp lớn nhất cả nước, chúc nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh hơn!

 

BỘ PHẬN NỘI DUNG

Tags