Những ngày qua, bên cạnh thông tin và tình hình diễn biến phức tạp về dịch bệnh thì dân tình càng hoang mang hơn về các fakenews, các tin đồn thất thiệt. Hậu quả của những thông tin này rõ ràng có thể thấy được đó là việc gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến công cuộc chung của cả xã hội. Trong khi các y bác sĩ và ngành y tế đang ra sức phòng chống dịch bệnh thì có một nghe được tin mật tung tin đồn "nhảm", không đúng sự thật hoặc chưa được kiểm chứng. Đáng buồn là tin xấu thường được nghe, được tin nhiều hơn các thông tin chính thống. Tuy nhiên, tung tin giả hay fakenews thì có vi phạm pháp luật không và có thể bị xử phạt như thế nào?

1. Cơ sở pháp lý

Vấn đề tung tin giả mạng, sai sự thật đầu tiên được xem xét theo quy định Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Như vậy từ góc độ Hiến pháp và quyền con người thì chúng ta được pháp luật bảo vệ về vấn đề này, do đó, khi có cá nhân hoặc pháp nhân nào vi phạm đến quyền này của công dân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015, Luật An ninh mạng 2018 cũng có những quy định về vấn đề này:

- Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân;

- Điều 8 của Luật An ninh mạng 2018 cũng nghiêm cấm các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.;

- Điều 26 của Luật An ninh mạng 2018 quy định rõ: Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật An ninh mạng 2018 và các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia;

Mới đây, ngày 03/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.

Như vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý cho các hành vi tung tin giả.

2. Xử phạt như thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm,hành vi tung tin giả sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại;

+ Điều 156 BLHS 2015 quy định có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm;

+ Điều 9 Luật an ninh mạng 2018 quy định “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”;

+ Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm có cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời, Điều 101 Nghị định cũng quy định rõ mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội hay cung cấp các ấn phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa được phép lưu hành; ... và quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời quy định sử dụng các biện phép khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định.

Mạng là ảo nhưng trách nhiệm là thật, việc tung tin thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang là hành vi vi phạm pháp luật. Hãy ý thức hơn văn minh hơn có trách nhiệm hơn với mỗi hành vi của mình.

Bài viết mang tính chất tổng hợp các quy phạm pháp luật.

Tags