Bạn sẽ ít có khả năng trì hoãn nếu bản thân cảm thấy vui vẻ, khỏe mạnh và có động lực!

Bạn có thường xuyên rơi vào tình trạng "vắt chân lên cổ" để hoàn thành bài tập vì sắp đến hạn nộp trong khi trước đó bạn có nhiều thời gian nhưng không hề mảy may đến nó?

Nếu điều này xảy ra, thì có nghĩa là việc học của bạn luôn bị trì hoãn vì lý do nào đó - và bạn không hề "cô đơn" bởi rất nhiều sinh viên đại học cũng rơi vào tình trạng xấu này. Nhưng bạn cần hiểu rõ rằng điều này xảy ra phổ biến nhưng không có nghĩa là tốt và mặc định đó là "văn hóa" của sinh viên! Trên thực tế, những thói quen liên quan đến sự trì hoãn khiến bạn không đạt hiệu quả cao trong học tập và còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì sao ư? Việc học dồn, thức khuya, thiếu ngủ... về lâu dài thực sự rất hại cho bạn.

Bạn sẽ làm mọi việc tốt hơn nếu có đủ khoảng thời gian cần thiết để tìm hiểu và hoàn thành chúng một cách chỉn chu nhất. Đương nhiên, khi đó khả năng cao là bạn sẽ đạt điểm tốt hơn và còn không ảnh hưởng đến sức khỏe nữa. Muốn vậy, hãy đánh bại sự trì hoãn trong học tập với 6 phương pháp hữu ích sau:

1. Hãy chia nhỏ từng phần học

Đừng ôm đồm quá nhiều thứ một lúc, việc này sẽ khiến bạn dễ nản chí và bỏ cuộc. Bởi lẽ trong quá trình tự học ở nhà chúng ta không có người đôn đốc bên cạnh, nếu mục tiêu xa tầm với, bạn mông lung không biết bắt đầu từ đâu và dĩ nhiên lúc đó cũng không thể tập trung được. Tình trạng quá tải này khiến bạn chẳng thể làm tốt được công việc của mình và lúc nào cũng nhớ nhớ quên quên. Do đó, hãy chia nhỏ từng phần kiến thức và giải quyết từng thứ một. Bạn sẽ cảm thấy "dễ thở" hơn và hoàn toàn tập trung để làm tốt những mục tiêu nhỏ!

2. Học từ cơ bản đến nâng cao

Nếu muốn đi đường dài bạn phải có nền tảng căn bản, đi từ dễ đến khó chứ không thể nhảy cóc. Nhiều bạn có kiểu học gọi là "ôn thi cấp tốc", một sai lầm rất lớn khiến bạn chẳng bao giờ đạt được điểm cao trong các kì thi. Đấy chỉ cách học đối phó, học "vẹt" không thể vận dụng được về sau. Nếu bạn muốn bất kì bài toán nào mình cũng có thể giải được thì cách duy nhất là nắm chắc kiến thức cơ bản. Hãy bắt đầu với kiến thức nền sao cho thật nhuần nhuyễn rồi từ từ học nâng cao lên.

3. Giảm thiểu những điều gây mất tập trung

Bạn ít có khả năng trì hoãn việc học nếu bạn thật sự tập trung. Khi học các bạn thường không chuyên tâm mà vừa học vừa làm việc khác, thậm chí ăn uống, lướt facebook… Một giải pháp thiết thực nhất là hãy chặn các mạng xã hội, thói quen ăn vặt lúc học. Khi đó não bạn không bị phân tán bởi nhiều điều khác nhau, chỉ chú tâm vào việc học nên khả năng tiếp thu sẽ tốt hơn rất nhiều. Và bạn cũng nên chọn một địa điểm học thích hợp, yên tĩnh. Đây chính là một trong những cách giúp bạn tập trung trong thời gian ngắn nhất để đạt được hiệu quả cao nhất.

4. Tạo lịch học tập

Bạn nên thiết lập một lịch học tập thường xuyên. Đánh giá độ khó của từng học phần của bạn và dành một khoảng thời gian hợp lý mỗi tuần để hoàn thành công việc cho các bài tập và gác lại những việc khác như hẹn hò cùng bạn bè, xem phim... Khi việc học tập trở thành thói quen, sự trì hoãn sẽ ít xuất hiện

5. Tìm một người bạn học cùng

Tìm một người bạn học cùng là một cách tuyệt vời để giữ cho mình có trách nhiệm giải quyết công việc đúng giờ. Bạn và bạn của bạn sẽ có một lịch trình được sắp xếp cùng nhau và điều đó sẽ yêu cầu bạn phải chấp hành đúng lịch học tập đã đề ra nếu không muốn lỡ hẹn và ảnh hưởng đến bạn của mình. Học cùng với một người bạn có thể tạo động lực lớn để học tập ngay từ đầu, đặc biệt nếu bạn có khuynh hướng chán nản khi học một mình.

6. Tự thưởng cho mình

Điều này sẽ giúp bạn có thêm động lực và hứng khởi để tiếp tục học tập siêng năng. Hãy nhớ thưởng cho những nỗ lực học tập của bạn một cách định kỳ bằng những điều vui vẻ và lành mạnh, như đi xem phim sau buổi học hay hẹn hò với bạn bè... Bạn ít có khả năng trì hoãn nếu bản thân cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh và có động lực!

 

Nguồn: ttvn.vn

Tags