“Sinh viên Luật phải dùng pháp lý để giữ chủ quyền” - Đó chính là "khẩu hiệu" của nhóm sinh viên trẻ tài năng có niềm đam mê đối với nghiên cứu khoa học: Nguyễn Phúc Thiện, Lê Thị Xuân Phương, Trần Thị Kim Nguyên - lớp Quốc tế 37  và Ngụy Thị Bích - lớp Quốc tế 38 khoa Luật Quốc tế. Với đề tài “Các lập luận cơ bản của Trung Quốc về chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa”, nhóm đã xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học Euréka cấp Thành năm 2015 ở lĩnh vực Pháp lý. Cùng lắng nghe chia sẻ của nhóm để hiểu rõ hơn vì sao những bạn trẻ này lại mang trong mình một tình yêu sâu sắc đối với chủ quyền biển đảo Tổ quốc như vậy.

- Chào nhóm, các bạn có thể tự giới thiệu về bản thân qua 3 tính từ được không?

Phúc Thiện: Mình là Nguyễn Phúc Thiện, sinh viên khóa 37 Khoa Luật Quốc tế. Để nói về bản thân thì có lẽ đó là cầu tiến, cầu toàn và nhiệt huyết.

Xuân Phương: Còn mình là Xuân Phương, cũng học lớp Quốc tế 37 luôn. Nói về mình thì chắc là nhiệt huyết, nghiêm khắc và hòa đồng.

Kim Nguyên: Mình là Trần Thị Kim Nguyên, cũng học chung lớp với hai bạn này. Mình thì chỉ xin một từ thôi, đó là “hết lòng”.

 

- Các bạn có thể giới thiệu đôi nét về Cuộc thi Nghiên cứu khoa học EURÉKA mà nhóm đã tham gia không?

Kim Nguyên: Đây là cuộc thi nghiên cứu khoa học do Thành Đoàn tổ chức, nay đã bước sang năm thứ 17 rồi. Không còn bó hẹp trong khuôn khổ sinh viên TP. HCM, cuộc thi năm nay mở rộng cho tất cả sinh viên khu vực phía Nam, quy mô có thể nói là lớn hơn nhiều so với các năm trước.

 

 - Điều gì đã mang các bạn đến với nhau để cùng thực hiện đề tài nghiên cứu về biển đảo này?

Xuân Phương: Đề tài biển đảo là đề tài được nhiều người quan tâm và luôn cần được quan tâm hơn nữa. Lí do mà tụi mình chọn đề tài này là bắt nguồn ngay từ năm nhất khi nhóm cùng tham gia Cuộc thi “Chìa khóa tri thức” năm 2013 cũng với chủ đề về chủ quyền biển đảo. Tụi mình đã có cơ hội vào chung một nhóm rồi từ đó phát hiện niềm yêu thích, đam mê chung và quyết định làm việc cùng nhau. Đó cũng chính là một cái duyên may mắn của tụi mình.

 

- Theo mình được biết thì đề tài nghiên cứu về chủ quyền biển đảo đã được khá nhiều người khai thác, vậy thì các bạn làm thế nào để tạo ra sự khác biệt, tính sáng tạo cho đề tài của nhóm?

Kim Nguyên: Đúng là đề tài về chủ quyền biển đảo không phải là một đề tài mới lạ, tuy nhiên nhiều người nghiên cứu không có nghĩa là đã khai thác hết. Nhận thấy rằng hầu hết mọi người khi tiếp cận về vấn đề này đều đứng ở góc nhìn là lập luận từ Việt Nam, các tư liệu lịch sử của Việt Nam, chưa có ai làm công tác ngược lại là đứng từ lập luận, tư liệu của Trung Quốc. Ý tưởng ban đầu của nhóm là sẽ đứng ở lập trường của Trung Quốc rồi sau đó dựa vào công pháp quốc tế mà đánh giá những lập luận đó.

 

- Chọn một hướng đi mới lạ, chưa ai từng nghiên cứu trước đó, tại sao các bạn lại có quyết định liều lĩnh và táo bạo như vậy?

Kim Nguyên: Đối với nhóm, bản chất của nghiên cứu khoa học đã là sáng tạo. Để một đề tài có giá trị thì phải có tính mới. Muốn làm một sản phẩm có ích thì phải chấp nhận khó khăn. Khi nhận đề tài, biết là khó thì mình chia nhỏ công đoạn và cố gắng hoàn thành nó thôi.

Xuân Phương: Lý do chọn đề tài cũng một phần vì mình là sinh viên Luật, mình phải đi tìm hiểu các lập luận mà người ta đưa ra để đánh giá nó đúng hay sai, người ta phản biện những lập luận của mình là dựa trên cơ sở nào và có đúng hay không. Là sinh viên luật, nói phải có cơ sở, bằng biện pháp pháp lý vững chắc thì mới có thể bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cả nhóm luôn có một khẩu hiệu đó là “Sinh viên Luật phải dùng pháp lý để giữ chủ quyền”.

 

 - Vậy chắc hẳn trong thời gian nghiên cứu đã gặp rất nhiều khó khăn, các bạn có thể chia sẻ về những khó khăn mà cả nhóm đã cùng vượt qua?

Kim Nguyên: Vì trước đây chưa có ai nghiên cứu chủ đề này ở góc độ lập luận của Trung Quốc nên tụi mình cũng không biết bắt đầu từ đâu. Đôi khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như một lần, nhóm đã viết được nửa chương rồi nhưng vẫn cắt bỏ hết để viết lại. Lúc đó phải gọi là rất xót, phải dứt bỏ tâm huyết của mình thật sự là không nỡ.

Phúc Thiện: Đề tài này cũng phải mất hơn một năm thì mới có thể hoàn thành. Chắc chắn khó khăn là không thể kể hết. Trong nhóm có 4 thành viên - 2 người viết và 2 người phản biện. Hai nhóm này luôn phải tranh cãi gay gắt với nhau để đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất. Nhiều lúc không tìm được tiếng nói chung hay mâu thuẫn về thời gian làm việc nhưng thật may mắn khi có nhóm trưởng là bạn Kim Nguyên luôn là người đưa ra quyết định và rất giỏi trong việc hòa giải hai bên.

 

- Còn Kim Nguyên, với cương vị là một nhóm trưởng, bạn đã làm thế nào để dẫn dắt cả nhóm vượt qua những khó khăn và giữ vững được sự nhiệt huyết trong suốt thời gian dài nghiên cứu?

Kim Nguyên: Thật sự thì mình cũng không làm gì nhiều mà quan trọng nhất là ý thức của mỗi thành viên trong nhóm cả thôi. Mỗi thành viên đều tâm niệm một điều là làm là vì đề tài chứ không phải vì cá nhân ai, chẳng vì sự ích kỉ của riêng ai. Vì tất cả đều biết rõ sự cần thiết ra đời của đề tài là như thế nào. Nói chung, điều quan trọng nhất đó là tất cả phải biết nghĩ nhiều hơn cho đề tài của mình, làm sao có thể hoàn thành được nó.

 

 - Vậy thì sau khi đạt được thành công, cảm xúc của các bạn như thế nào?

Xuân Phương: Điều đầu tiên mà mình muốn nói đến có lẽ là rất kinh ngạc. Kinh ngạc vì cuối cùng mình cũng đã vượt qua được giới hạn của bản thân. Bên cạnh đó, mình cảm thấy rất hạnh phúc. Không phải vì đạt được giải thưởng - giải thưởng không phải là mục đích lớn nhất - mà đó chính là tụi mình đã làm cho mọi người biết đến đề tài này, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề biển đảo. Ví dụ ngồi nói chuyện với các bạn hôm nay, thì biết đâu ngày mai chính các bạn về sẽ tìm hiểu về Biển Đông chẳng hạn (cười). Đó là một cách để mình truyền nhiệt huyết và niềm đam mê biển đảo đến cho mọi người, thông qua đó sẽ tạo được vòng tròn kết nối được những thế hệ trẻ - những người nắm giữ tương lai đất nước. Điều đó làm tụi mình cảm thấy không còn đơn độc trên hành trình này nữa.

Phúc Thiện: Thật ra mình thì khác Phương một chút. Mình rất tin tưởng vào đồng đội nên biết chắc chắn rằng không ít thì nhiều bọn mình cũng sẽ đạt được một thành quả nhất định từ những gì đã bỏ ra. Nhưng khi mà đạt được giải thưởng, đúng như Phương nói, thành quả mà bọn mình gặt hái được lớn nhất không phải là giải thưởng mà là mục đích ban đầu của tụi mình khi đến với đề tài, đó chính là có những kiến thức vững chắc và làm cơ sở giúp mọi người hiểu một cách chính xác hơn về những gì đang diễn ra.

Kim Nguyên: Mình thì nhớ lại ngày trước khi đề tài của nhóm được chuyển giao cho Tiểu ban nghiên cứu biển Đông của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Cảm thấy rất vui vì đề tài của tụi mình được đón nhận và sẽ được triển khai. Hy vọng là mai này đề tài của nhóm sẽ phát huy được tác dụng, coi như những gì mình làm, các bạn mình làm đã không uổng phí.

 

 - Theo các bạn, điều gì làm nên sự bản lĩnh và sáng tạo trong mỗi con người?

Xuân Phương: Mình nghĩ yếu tố từ bản thân là một phần, nhưng yếu tố tác động từ bên ngoài là một yếu tố cũng không kém phần quan trọng. Mỗi người, trong mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây đều trưởng thành hơn nên bản lĩnh có thể tôi luyện từ đây.

Phúc Thiện: Sáng tạo là điều có thể tự thân mà có, còn bản lĩnh là cái phải rèn luyện nên chứ không phải thứ có sẵn, chỉ chờ dịp mà bộc phát được. Phải va chạm, cọ xát nhiều mới biết được mình bản lĩnh như thế nào.

Kim Nguyên: Thật ra thì việc chấp nhận ra ngoài để va chạm đó cũng là bản lĩnh rồi.

Xuân Phương: Đúng vậy! Thoát ra khỏi giới hạn của chính mình thì tự khắc sẽ hiểu thế nào là bản lĩnh - sáng tạo!

 

 - Trên con đường đi đến thành công ai cũng có giai đoạn “khủng hoảng”, cảm thấy áp lực, nản chí và thất vọng về bản thân. Các bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm làm sao để vượt qua giai đoạn này không?

Xuân Phương: Hãy sống vì thành quả, đừng sống vì kết quả!

Kim Nguyên: Thật ra nguyên nhân khiến mình cảm thấy áp lực chính là quá hi vọng, mong đợi vào kết quả dẫn đến hụt hẫng, buồn bực rồi nghĩ mình bất tài, vô dụng, mình là đồ bỏ đi. Chỉ cần loại bỏ được kiểu suy nghĩ đó và hướng đến mục đích thật sự thì tất cả sẽ ổn.

Xuân Phương: Nhân đây, mình cũng chia sẻ một thói quen khá tâm linh của cả nhóm là mỗi khi gặp khó khăn thì nhóm sẽ qua Bảo tàng ở Bến Nhà Rồng đối diện trường để thắp hương cho Bác Hồ (cười). Giống như là có một niềm tin tâm linh nào đó, vì điều thúc đẩy mình làm không phải là vì lợi ích bản thân nên dường như luôn có một sức mạnh nào đó nâng đỡ, soi sáng mình. Như một lần, khi tụi mình gặp vấn đề khó khăn trong nghiên cứu đề tài, thì sau khi thắp hương cho Bác xong ngay ngày hôm sau tụi mình gặp được một chuyên gia và nhờ người đó mà tìm ra được lời giải. Vì vậy, cứ yên tâm là nếu mình đang làm một việc có ý nghĩa thì sẽ có người dẫn dắt mình đi đúng đường.

 

-  Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, cả nhóm có muốn nhắn nhủ điều gì đến các bạn sinh viên trường mình không?

Phúc Thiện: Đây là thời điểm tháng 3 – Tháng Thanh niên, là dịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Trường và 85 năm ngày thành lập Đoàn, và cũng có một ngày có lẽ bất cứ ai yêu biển đảo không thể quên được - đó là ngày 14/3/1988. Chúng ta đang là những người nợ những người đi trước một món nợ ân tình. Và chúng ta có nghĩa vụ phải trả - dù trả nhiều hay ít và bằng cách nào. Do đó, các bạn phải cố gắng hết sức để làm sao tạo dựng được một thế hệ trẻ Việt Nam có thể vươn tầm xa hơn như những gì mà cha ông ta mong đợi. Còn câu chuyện làm được hay không thì đó là phụ thuộc vào bản thân mỗi người chứ không thể phụ thuộc vào bất kì cá nhân hay tổ chức nào để có thể thúc giục bạn được. Bản thân các bạn là quan trọng nhất, các bạn phải vượt qua được chính mình.

Xuân Phương: Mình mong muốn mọi người hãy tìm hiểu về chủ quyền biển đảo bằng những trang thông tin chính thống để hiểu rõ và chính xác vấn đề. Có những vấn đề người ta không đề cập vào lịch sử, nhưng không có nghĩa đó không phải là lịch sử. Cho nên mong rằng mọi người hãy bớt chút thời gian của mình để tìm hiểu về vấn đề này.Và mình cũng muốn nhắn nhủ với các bạn sinh viên là cứ mạnh dạn dấn thân đi, mình có tâm rồi thì sẽ có tầm mà thôi.

 


(*) Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm tạo sân chơi học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, qua đó phát hiện, bồi dưỡng những ý tưởng sáng tạo của sinh viên, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn Thành phố, góp phần ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và cuộc sống. Từ năm 2015, giải thưởng Euréka sẽ mở rộng đối tượng dự thi cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng thuộc các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam (từ Bình Thuận trở vào).

     

BỘ PHẬN NỘI DUNG 

Tags