Với nhiều thành tích cao trong học tập, đồng thời đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm của CLB Phiên tòa tập sự, Lê Trần Quỳnh Thy không còn là một cái tên xa lạ đối với các bạn sinh viên. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Quỳnh Thy về hành trình xây dựng nền tảng tri thức và hình ảnh của bản thân trong suốt bốn năm trên giảng đường đại học.

Hãy kể tên một cuốn sách yêu thích của bạn?

Một cuốn sách mà mình đang đọc và vô cùng tâm đắc đó là “Kỹ năng hành nghề luật sư” của tác giả Trương Nhật Quang. Đây cũng là một cuốn sách rất cần thiết cho sinh viên Luật, đặc biệt là các bạn định hướng tương lai sẽ trở thành luật sư.

 

Quỳnh Thy trong mắt mọi người là một người như thế nào?

Nếu tự nhận xét về bản thân, có lẽ mình là người làm việc chủ động, chịu khó, có khả năng huy động được điểm mạnh, điểm yếu của người khác trong công việc. Tuy vậy, mình có nhược điểm là chưa được quyết đoán, hay chần chừ và đôi khi quá cẩn thận. Điều này thường làm mình mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành một công việc hay đi đến một quyết định nào đó.

 

Theo mình được biết thì ngoài CLB Phiên tòa tập sự, bạn không tham gia một CLB hay tổ chức nào khác trong trường? Có lý do gì cho sự lựa chọn này không?

Đến với CLB Phiên tòa tập sự, đối với mình là một sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi vì tới năm ba mình mới chính thức trở thành thành viên của CLB. Trước đó mình cũng đã tham gia trợ giúp một vài hoạt động nhưng chưa phải là thành viên chính thức.

Thật ra vào năm nhất, mình còn theo học Khoa kiến trúc của trường Đại học Văn Lang song song với công việc học tập ở trường mình nên lúc đó mình không có nhiều thời gian. Nhưng sau đó mình nhận thấy rằng học chuyên tâm một cái sẽ tốt hơn và ban đầu việc học song song hai ngành cũng chỉ để quyết định con đường đi cho mình một cách chính xác nhất nên mình đã quyết định dừng việc học ở Khoa kiến trúc. Đến năm hai, sau khi đã quen dần với cách học ở trường, mình lại bắt đầu tìm kiếm chỗ thực tập nên không có điều kiện để tham gia các CLB mặc dù có rất nhiều CLB khiến mình thích thú, ví dụ như CLB Anh văn. Chỉ đến năm ba, khi đăng ký thử CLB Phiên tòa tập sự và đậu phỏng vấn thì lúc đó mình quyết định sẽ không tham gia thêm bất cứ một CLB nào khác nữa. Có lẽ chỉ tham gia Phiên tòa tập sự là do thời gian hay điều kiện của bản thân không cho phép nhưng có khi cũng là vì cái duyên đặc biệt nào đó của mình đối với CLB nữa. 

 

Thách thức của bạn khi trở thành chủ nhiệm của CLB Phiên tòa tập sự là gì?

Đối với bản thân mình, khó khăn lớn nhất chính là việc đưa ra quyết định. Chủ nhiệm chính là người đưa ra quyết định cuối cùng và phải luôn tự chịu trách nhiệm về quyết định đó. Trong CLB, mỗi khi có vấn đề nào đó nảy sinh sẽ luôn có nhiều chiều ý kiến khác nhau. Vai trò của một người chủ nhiệm khi đó là phải xem xét tất cả những quan điểm để đi đến quyết định sau cùng và phải luôn có lập luận, căn cứ cho những quyết định đó. Có như thế thì mọi người mới tin tưởng và mới đồng tâm hiệp lực với nhau trong công việc.

 

Công thức của Quỳnh Thy cho một cuộc sống sinh viên hoàn hảo?

Mình chỉ quan niệm đơn giản là làm sao khi ra trường, ta phải có đủ hành trang để bước vào đời. Vào năm nhất, năm hai, bên cạnh việc học thì chúng ta cần phải tham gia hoạt động xã hội và rèn luyện thể thao ở một chừng mực nhất định, dành thời gian tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Đến năm ba thì cũng là lúc chúng ta nên dành thời gian suy nghĩ xem mình muốn đi theo con đường nào để đến năm cuối mình có thể tiệm cận với mục tiêu của mình. Định hướng càng sớm sẽ càng vững, sau này sẽ không sợ mất 5 - 7 tháng sau tốt nghiệp để tìm việc. Năm cuối là khoảng thời gian hoàn thành mọi thứ để ra trường nhưng phải chủ động tranh thủ càng sớm càng tốt.   

 

Trong tháng 3 này, Đoàn trường đang đẩy mạnh cuộc vận động Phong cánh sinh viên Luật, vậy định nghĩa theo bản thân bạn về phong cách sinh viên Luật là như thế nào?

Phong cách sinh viên Luật, theo mình là tổng hòa của kiến thức, kỹ năng và hình ảnh. Đầu tiên, đã là sinh viên Luật thì kiến thức Luật phải thật vững. Hành vi phải phù hợp với những gì mình được học, lời lẽ cũng phải chuẩn, “nói có sách mách có chứng”. Về kỹ năng, sinh viên Luật phải rèn luyện kỹ năng thực hành pháp luật, kỹ năng mềm và cả những kỹ năng khác tương thích với công việc trong từng lĩnh vực cụ thể. Còn về hình ảnh, sinh viên Luật phải luôn ứng xử một cách văn minh, đúng luật, phải có nhân cách, đạo đức khi hành nghề, không làm trái với những gì mà chính bản thân mình đang bảo vệ. 

 

- Vậy theo bạn, những vốn tri thức nào là không thể thiếu đối với sinh viên Luật trong bối cảnh hiện nay?

 Ngoài kiến thức chuyên ngành trong sách vở, sinh viên Luật cũng phải chú trọng rèn luyện kiến thức về ngoại ngữ và tin học. Tin học thì chỉ cần cố gắng học hỏi và thực hành thì sẽ không mấy khó khăn. Việc học ngoại ngữ thì cần nhiều thời gian hơn, cho nên bắt tay vào học từ sớm như năm nhất hay năm hai sẽ không bao giờ là thừa. Càng ngày mọi công việc hay nghiên cứu đều cần đến ngoại ngữ và nó cũng quyết định cơ hội việc làm của bản thân bạn.

 

Bạn nhận thấy hiện nay khi rời giảng đường Đại học sinh viên Luật thiếu những kỹ năng gì?

Theo mình, điều sinh viên Luật thiếu nhất có lẽ là kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tế. Bởi vì khác với làm các bài tập tình huống ở trường, khi phải giải quyết một vụ việc trong thực tế hành nghề chúng ta phải biết kết hợp nhiều luật và văn bản khác nhau cùng một lúc. Vậy nên kỹ năng nghiên cứu khi đó cũng rất quan trọng. Hơn nữa, một kỹ năng khác mà mình nghĩ sinh viên thường thiếu sót chính là kỹ năng viết và nói. Không phải đơn thuần là viết như khi trình bày đáp án trong bài thi hay nói như khi phát biểu trên lớp, thảo luận cùng bạn bè. Nói và viết ở đây là đối với những lĩnh vực chuyên môn cụ thể, là trình bày, tư vấn cho khách hàng, trình bày quan điểm của mình với các luật sư đồng nghiệp khác. Nói và viết để bày tỏ quan điểm bản thân nhưng cũng phải biết lắng nghe. Lắng nghe từ các anh chị đi trước là vô cùng quan trọng vì họ có kiến thức, và đặc biệt là kinh nghiệm nhiều hơn, người ta luôn có những cái hay để mình học hỏi.

 

Nhiều người cho rằng thời đại học thì chỉ nên tập trung tiếp thu, bồi dưỡng kiến thức còn việc rèn luyện phong cách, lối sống thì đợi đến lúc làm nghề va chạm thực tế rồi cũng chưa muộn, bạn nghĩ như thế nào về quan điểm này?

Có thể quan điểm này đúng với một số bạn nhưng nhìn chung nếu có cơ hội trải nghiệm và rèn luyện sớm vẫn tốt hơn. Mọi thứ đều cần kinh nghiệm. Nếu chưa hề có kinh nghiệm gì thì sau này khi ra trường, chúng ta sẽ mất một khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng nữa để làm quen. Còn đối với những bạn đã đi làm trước đó rồi thì việc này vừa hỗ trợ được việc học vừa giúp các bạn có sẵn phong cách, kỹ năng phù hợp, không mất thời gian để hòa nhập lại nữa. Hơn nữa, mỗi năm sẽ có hàng ngàn sinh viên mới ra trường thâm nhập vào thị trường tuyển dụng nên thời gian như vậy thôi cũng chính là cơ hội.

 

Bạn thấy sinh viên Luật có nên sớm trải nghiệm cơ hội thực tập không? Những được và mất của sinh viên trong hành trình trải nghiệm thực tiễn như vậy?

Mình nghĩ lựa chọn thực tập vào thời điểm nào là tùy thuộc vào định hướng của mỗi người nhưng nhìn chung, không nên đi thực tập từ quá sớm. Đối với chuyên ngành Luật chỉ nên bắt đầu thực tập khi mà mình đã có đủ kiến thức và kỹ năng ở một mức độ nhất định, bởi vì bản thân việc thực tập chính là quá trình áp dụng những điều đã học vào thực tế. Chưa có đủ kiến thức và kĩ năng thì áp dụng vì vậy cũng sẽ rất khó khăn. Nếu từ năm nhất hay năm hai mà các bạn đi thực tập thì mình nghĩ chủ yếu sẽ không được làm những công việc liên quan đến Luật. Đến năm ba, năm tư, khi mình đã có vốn kiến thức ổn định rồi, những quan điểm về lý luận cũng tương đối rồi thì việc học và đi thực tập sẽ tác động qua lại, tương trợ lẫn nhau.

Nói về chuyện được và mất, đối với mình, có lẽ thứ đánh mất duy nhất chính là thời gian. Khoảng thời gian bình thường dành cho việc học tập và sinh hoạt sẽ bị bó hẹp lại. Nhưng phải xác định nếu việc đi thực tập thực sự giúp ích cho mình thì hãy quyết định trải nghiệm. Còn nếu đi thực tập mà ở đó mình cũng không giúp đỡ hay học tập được gì thì đổi lại đó mới chính là hoang phí thời gian. Khi sinh viên đi thực tập, phần lớn là chưa có lương lại tốn thêm tiền xăng xe nhưng theo mình đó không phải là sự mất mát đáng kể so với những gì việc thực tập đem lại.

 

Quỳnh Thy sau khi nhận học bổng GES (*) đã khác gì so với Quỳnh Thy trước đây?

Sau khi nhận được học bổng, bắt đầu ngay từ việc học của mình ở trường cũng khác. Cách mà mình làm bài tập, thuyết trình trước lớp, trả lời câu hỏi của thầy cô đều mang tính khoa học hơn. Mình hiểu được cái mà người nghe luôn muốn nghe chính là kết quả chính xác và cụ thể chứ không phải là những câu trả lời chung chung. Còn đối với làm việc nhóm thì mình đã học được cách lên kế hoạch cụ thể, có dàn ý phân công cho mỗi người, có đề tài chủ đề trong mỗi buổi nên hiệu quả làm việc cũng được cải thiện. Ngoài ra, kỹ năng trình bày, nghiên cứu mình học được từ thực tiễn cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc học ở trường. Một vấn đề quan trọng nữa là GES giúp mình định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp tương lai. Khi đã xác định được mình mong muốn làm trong lĩnh vực gì thì việc học của mình cũng sẽ tập trung và chuyên sâu hơn.

 

Trong khoảng thời gian đồng hành cùng học bổng GES, tri thức hay phong cách là thứ mà bạn học tập được nhiều hơn?

Có lẽ mình học được nhiều về phong cách, kỹ năng. Kiến thức học được ở sách vở là một chuyện còn việc áp dụng kiến thức đó thế nào trên thực tế hoàn toàn là dựa vào kỹ năng. Thực tiễn sẽ đan xen và phức tạp hơn nhiều, vì vậy nếu mình nắm chắc kỹ năng hay phương pháp thì hoàn toàn có thể giải quyết tốt. Hơn nữa mình là luật sư trẻ, ít kinh nghiệm nên phải luôn có phong cách thật chủ động, không ngồi một chỗ chờ để có việc. Quan hệ giao tiếp hòa đồng với đồng nghiệp cũng rất quan trọng vì vừa giúp tạo dựng mối quan hệ vừa giải tỏa những áp lực để có một giai đoạn thực tập vui vẻ và thoải mái hơn.

 

Trường ta đang tưng bừng không khí kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trường và 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM, bạn có muốn gửi lời chúc gì đến Trường và Đoàn trường nhân hai sự kiện đặc biệt này không?

Đến thời điểm này mình vẫn luôn tự hào vì là một sinh viên trường Đại học Luật TP. HCM. Nhân dịp này, mình muốn gửi lời tri ân và cảm ơn quý thầy cô vì đã tận tụy giảng dạy biết bao thế hệ sinh viên. Mong các thầy cô sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành công để trường Đại học Luật TP. HCM tiếp tục vững danh là trung tâm đào tạo về pháp luật lớn nhất ở miền Nam và thậm chí là vươn ra toàn quốc và khu vực.

 

Bạn có mong muốn, kỳ vọng điều gì ở hoạt động của Đoàn trường trong tương lai không?

Mình chỉ mong muốn rằng hoạt động Đoàn sẽ luôn tăng cường tính thực tế và hiệu quả. Các chương trình được tổ chức chất lượng và đáp ứng nhu cầu thiết thực thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều hơn nữa sinh viên tham gia.

 


(*) Học bổng GES (Globalized Era Scholarship – Học bổng Kỷ Nguyên Hội nhập) là một chương trình học bổng uy tín dành cho các bạn sinh viên năm cuối chuyên ngành luật ở Hà Nội và TP. HCM. Ngoài được hỗ trợ tài chính, những sinh viên tham gia học bổng còn nhận được sự giúp đỡ tích cực của một mạng lưới những văn phòng, công ty luật và luật sư danh tiếng cũng như những cựu GES-ers.

 

 Họ và tên: Lê Trần Quỳnh Thy

 Lớp: CLC 37B

 Chức vụ: Chủ nhiệm CLB Phiên tòa tập sự (nhiệm kỳ 2015 – 2016), Lớp trưởng lớp CLC 37B.

 Thành tích:

 - Học bổng khuyến khích học tập của trường ở tất cả các học kỳ của khóa K37,

 - Học bổng Lawrence S. Ting (2013 – 2014 và 2015 – 2016),

 - Giải ba cuộc thi “Sinh viên Luật lên tòa 2014”,

 - Danh hiệu “Sinh viên giỏi” (năm học 2014 – 2015),

 - Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” (2015),

 - Học bổng APS (2015),

 - Học bổng GES,

 - TOEIC 890,

 - JLPT: N4, v.v 

 

BỘ PHẬN NỘI DUNG