Từ cái duyên gặp gỡ và gắn bó với công tác Đoàn như thể gặp phải “tiếng sét ái tình”, nên một người nghĩ mình không phù hợp đến cuối cùng lại có thể vì công tác mà lăn xả trên mọi mặt trận. Dù áp lực, mệt mỏi, thế nhưng ở vị trí là người đứng đầu, bản thân luôn tự nhủ là phải mạnh mẽ để làm điểm tựa tinh thần cho Ban chấp hành và các cộng tác viên, giữ cho mình được sự lạc quan và tìm niềm vui từ chính công tác Đoàn, đó là những gì Thầy đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục trên cương vị của một người Bí thư.

THÔNG TIN:

Đồng chí Huỳnh Quang Thuận

Chức vụ: Bí thư Đoàn khoa Luật Dân sự, Giảng viên môn Luật Tố tụng Dân sự - Khoa Luật Dân sự.

Châm ngôn sống: “Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng”

Sở thích: Đọc sách, đọc truyện, ca hát,… 

- “Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng” – Câu châm ngôn sống này có ý nghĩa gì thưa Thầy?

Đây là một trong những câu mà hồi nhỏ xem phim, nghe được và bản thân mình rất thích! Hình như là phim Mạnh Lệ Quân, cũng lâu lắm rồi. Ý nghĩa của nó chính là mọi chuyện rồi cũng có cách giải quyết!

 

“Đi cùng với nó, giống như là việc chúng ta… gặp tiếng sét ái tình vậy đó!”

 

- Trước đây lúc học cấp 3 hay Đại học, Thầy có tham gia công tác Đoàn không? Cơ duyên nào đã đưa Thầy đến với công tác Đoàn như hiện tại?

Hồi Đại học mình cũng có tham gia nhưng chỉ ở lớp thôi, cũng từng giữ chức vụ Phó Bí thư chi Đoàn. Hoạt động phong trào hồi đó cũng khá hạn chế, không được nhiều như bây giờ. Mỗi khoa chỉ có một chương trình trong năm, còn chủ yếu vẫn là các chi Đoàn tự tổ chức sinh hoạt với nhau, đi tình nguyện hay đi chơi nhỏ nhỏ trong thành phố.

Nói về cơ duyên, thật ra mình là sinh viên xuất thân từ khoa Thương Mại, chứ không phải Dân sự. Sau khi về trường thì mới được phân vào đây. Tính ra thì hoạt động trong khoa cũng không được bao lâu, vậy nên cơ duyên đến với Đoàn khoa Luật Dân sự thực chất là “dòng đời xô đẩy”. Chính xác ban đầu là tham gia theo sự chỉ đạo của cấp trên nhưng mà càng ngày khi đã đi cùng với nó rồi, thì giống như là việc chúng ta... gặp tiếng sét ái tình vậy đó! Bởi vì lượng công việc vốn đã rất nhiều, nay lại gánh vác thêm lượng công việc của Đoàn khoa nữa, quỹ thời gian đã ít nay còn ít hơn. Cảm giác ban đầu là không tự nguyện lắm đâu, tuy nhiên khi tham gia thì mình lại nhận được rất nhiều tình cảm và có lẽ là cũng từ những tình cảm đó mà có thể gắn kết được như vậy. Tham gia công tác cùng Đoàn khoa lần đầu tiên là vào năm 2014 và đã đi cùng nhau được tới giờ rồi, từ lúc chưa có chức danh gì đến lúc trở thành Bí thư như bây giờ.

- Gắn bó nhiều là vậy, Thầy có thể chia sẻ một vài kỉ niệm đáng nhớ trong lúc tham gia hoạt động ở Đoàn khoa không?

Kỉ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm! Ngoài việc “lăn lộn” cùng các bạn trong những ngày chương trình diễn ra thì còn “lăn lộn, lầy lội” hậu chương trình nữa. Đã cùng các bạn trải qua những giây phút rất vui vẻ, nhiều lúc là ăn ngủ ngay tại sân khấu để chuẩn bị chương trình cùng nhau. Chương trình mà khiến mình nhớ và có nhiều kỉ niệm nhất từ đó tới giờ chính là “Đấu trí dân Luật 2016”. Bên cạnh “Ngày hát đôi” thì đây là chương trình truyền thống của Đoàn khoa mà mình nằm trong Ban tổ chức, cùng kề vai sát cánh và sâu sát với các bạn trong mọi vấn đề. Từ kinh phí, kỹ thuật, âm thanh... gần như đều gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với phương châm là “Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng”, khó cỡ nào rồi cũng được giải quyết. Điều làm mình quý và nhớ nhất chính là những con người làm nên chương trình đó. Sau khi “Đấu trí dân Luật 2016” diễn ra thì Ban chấp hành cũng có một buổi họp mặt, liên hoan nho nhỏ. Đây cũng là chương trình cuối cùng mà đội ngũ Ban chấp hành cũ, có thể gọi là “F2” - đời thứ hai của nhiệm kì 2014 – 2017 tham gia tổ chức. Đang liên hoan thì các bạn ôm nhau khóc, ôm cả mình khóc quá trời, bao nhiêu cảm xúc tuôn trào ra hết. Bởi là chương trình cuối, mà cũng gặp rất nhiều khó khăn, bao nhiêu tâm huyết mình bỏ ra lại cảm thấy chương trình chưa thành công, chưa tương xứng với công sức mình nên mọi người lúc đó không kìm nén được. Rất trân trọng những tình cảm đó.

- Qua những trải nghiệm của bản thân thì trong mắt Thầy, hình ảnh người Cán bộ Đoàn hiện lên như thế nào?

Hình ảnh người Cán bộ Đoàn với mình thì đơn giản lắm! Quan trọng nhất về người Cán bộ Đoàn khi mình nghĩ đến đó chính là cái tâm - là cái tâm đối với hoạt động Đoàn. Còn về năng lực, trình độ, về những kỹ năng khác thì chúng ta có thể tập luyện, nâng cao qua thời gian được. Nhưng riêng với cái tâm thì chỉ có thể bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người thôi.

- Thầy có cảm xúc gì khi chính thức đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn khoa Luật Dân sự nhiệm kỳ mới?

Bất ngờ thì không bất ngờ rồi! Vui thì có chứ, hãnh diện vì giờ mình ở vị trí cũng gọi là to to, quản lý cũng đông đông... nên cũng tự hào! (cười) Bên cạnh đó thì cảm giác phải đối diện với mệt mỏi cũng nhiều lên vì bản thân mình giờ phải có trách nhiệm hơn với vị trí hiện tại. Lúc trước, tham gia đơn giản với tư cách hỗ trợ các bạn thôi, nhưng giờ thì mình đã là đầu tàu rồi, trở thành chỗ dựa của Ban chấp hành, của cộng tác viên. Nói chung là cảm xúc đan xen lẫn lộn, và chỉ biết cố gắng hết sức cho nhiệm kỳ tới thôi!

- Thầy đánh giá sao về đội ngũ Ban chấp hành hiện tại - những gương mặt sẽ gắn bó mật thiết với mình trong thời gian hoạt động sắp tới?

Đội ngũ Ban chấp hành của mình hiện tại chỉ toàn năm nhất, năm hai thôi, rất trẻ so với mặt bằng chung giữa các Đoàn khoa. Thật sự các bạn cũng còn mới nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, các bạn luôn cho thấy được sự cố gắng của mình để hỗ trợ công tác của Đoàn khoa cũng như chủ động học hỏi. Dù còn nhiều thiếu sót và chưa hoàn thiện, nhưng điều này tương lai có thể thay đổi được, không ai có thể vừa mới bước vào đã giỏi liền được mà! Chỉ cần nỗ lực hết sức là tốt rồi, kết quả ra sao tùy vào quan điểm của mỗi người. Nhiều khi làm chương trình đến 1, 2 giờ sáng rồi còn phải đi học, làm những công việc khác, rồi trong quá trình làm gặp nhiều khó khăn, đôi khi các bạn cũng than thở là “Thầy ơi em mệt quá!”. Nhưng mình là đầu tàu mà, mình phải lắng nghe và cố gắng dung hòa làm sao cho các bạn giữ được trạng thái và tinh thần tốt nhất có thể để tiếp tục làm việc.

- Thầy nhận định như thế nào về thách thức cũng như cơ hội của Đoàn khoa Luật Dân sự trong nhiệm kỳ mới?

Thách thức và khó khăn đầu tiên, cũng là lớn nhất có lẽ là đội ngũ Ban chấp hành còn quá trẻ, kỹ năng cũng như khả năng để thực hiện công việc chưa bằng những anh chị đi trước. Nhưng đó cũng là một thuận lợi, vì trẻ nên các bạn cho thấy rất rõ nhiệt huyết của mình. Điều đó cũng phần nào bù đắp được để giải quyết những khó khăn ban đầu từng chút một. Cái gì cũng phải đương đầu thì mới tìm được cách giải quyết, chứ chỉ ngồi để nói thì cũng không biết sắp tới sẽ có những khó khăn gì và mình có cách để xoay sở hay không.

 

“…là làm vì sự tự nguyện, làm để tìm nguồn vui cho bản thân mình.”

 

- Còn về bản thân, Thầy có nhận định gì về những cơ hội cũng như thách thức mà mình phải đảm đương khi ở cương vị mới này?

Thuận lợi với mình cho tới thời điểm hiện tại thì là một đội ngũ Ban chấp hành rất đoàn kết và yêu thương nhau. Phương châm trong nhiệm kỳ mà mình muốn hướng tới đó là làm vì sự tự nguyện, làm để tìm nguồn vui cho bản thân mình. Nhìn thấy các bạn nhiệt huyết, năng nổ như vậy, cảm thấy rất yên tâm và có niềm tin. Còn về thách thức thì như đã chia sẻ, khó khăn sắp tới còn rất nhiều mà kinh nghiệm thì ít, trong giai đoạn chuyển giao này cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Các bạn Ban chấp hành mới năm nhất, năm hai cũng chưa thể quản lý được các anh chị năm ba, năm tư nên vẫn còn nhiều bất cập. Nhưng đã nói rồi, khó khăn thì mình giải quyết từ từ, không vấn đề gì hết!

- Thầy có định hướng gì về hoạt động sắp tới của Đoàn khoa, góp phần giải quyết những thách thức nói trên của Đoàn khoa cũng như của bản thân?

Trước mắt, sau Đại hội, mình cũng có những cuộc họp riêng với Ban chấp hành, định hướng cho mỗi bạn đều đảm nhận một vai trò riêng trong những mảng hoạt động của Đoàn khoa. Từ đó, các bạn sẽ tự trau dồi kinh nghiệm cho mình bằng cách chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các ban, bộ phận của Đoàn trường, của các anh chị đi trước, tổ chức giao lưu giữa các thế hệ cũ - mới để truyền đạt kinh nghiệm hoạt động cho nhau... Nhưng để tiến bộ nhiều nhất thì các bạn phải làm! Đoàn khoa sẽ cố gắng tổ chức các chương trình từ nhỏ đến lớn, để các bạn tự thân vận động, xoay sở rồi rút kinh nghiệm dần.

Còn về các chương trình thì bên cạnh “Ngày hát đôi” “Đấu trí dân Luật” là những chương trình truyền thống thì Đoàn khoa sẽ cố gắng tổ chức thêm các chương trình về thể thao, học thuật, những cuộc thi viết bài, thi ảnh trong nội bộ Đoàn khoa,... Còn cụ thể như thế nào thì Ban chấp hành vẫn đang trong quá trình xây dựng ý tưởng.

 

“Phải là người mạnh mẽ nhất trong Ban chấp hành, bởi vì mình là người đứng đầu.”

 

- Tham gia tổ chức nhiều chương trình hoạt động như vậy có khiến Thầy cảm thấy mệt mỏi hay áp lực? Làm thế nào để Thầy giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với công tác Đoàn?

Áp lực thì chắc chắn là có rồi! Không những áp lực về thời gian thực hiện các chương trình, mà còn áp lực từ phía Đoàn trường, lãnh đạo cấp trên khi phải báo cáo tình hình hoạt động và còn nhiều mặt, vấn đề khác nữa. Nhưng đối với mình, hoạt động áp lực thì áp lực, mà vui thì cũng vui lắm, mình lấy cái vui mình bù cho cái áp lực vậy thôi.

Còn về giữ lửa trong hoạt động Đoàn, thật ra mình không thích dùng từ lửa lắm, bởi lửa cháy rồi nó sẽ tàn. Mình làm Đoàn thứ nhất là vì trách nhiệm, thứ hai là mình tìm nguồn vui từ những việc mình làm. Trách nhiệm thì một khi đã ở vị trí đó rồi, mình không thể nào rũ bỏ được. Những khi mệt mỏi, nản chí, các bạn trong Ban chấp hành, các cộng tác viên chính là người tiếp tinh thần và động lực cho mình. Nhìn mấy đứa nhỏ cứ chạy lăng xăng, tất bật lo chuyện này chuyện kia, cũng bỏ nhiều thời gian, lo lắng chạy cho kịp tiến độ, điều đó làm cho mình cảm giác mình phải là người mạnh mẽ nhất trong Ban chấp hành, bởi vì mình là người đứng đầu. Đó là điều thúc đẩy mình lúc nào cũng phải cố gắng thể hiện tất cả nhiệt huyết ra, phải tỏ ra là mình không mệt, mình thật mạnh mẽ.

 

“Giữ vững truyền thống - Tạo dựng dấu ấn của Ban chấp hành mới - Gắn kết với các chi Đoàn!”

 

- Với tư cách là một người Bí thư, Thầy đã xác định cho mình những trọng tâm hành động gì trong nhiệm kỳ mới?

Mục tiêu trong nhiệm kì tới của mình đầu tiên là phải giữ vững được những chương trình truyền thống của Đoàn khoa - những chương trình đã làm nên thương hiệu và là tâm huyết của người đi trước để lại. Bên cạnh đó, cố gắng tạo ra những chương trình mới. Năm nay thì tạm thời chưa nhưng năm sau sẽ cố gắng tạo dựng những chương trình mang dấu ấn của Ban chấp hành nhiệm kỳ này. Đó chỉ là suy nghĩ đang nung nấu thôi, còn để thực hiện thì cần thời gian mới có thể hoàn thiện được. Đồng thời, cố gắng tạo sự gắn kết giữa Ban chấp hành với các chi Đoàn bằng cách khảo sát mong muốn của các bạn. Các bạn kỳ vọng điều gì ở Ban chấp hành thì sẽ cố gắng tổ chức các chương trình phù hợp cho các bạn.

- Thầy có những kỳ vọng gì về Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM trong nhiệm kỳ 2017 - 2019?

Những kỳ vọng về phía Đoàn trường thì nhiều lắm, bao la luôn! Hy vọng trong nhiệm kỳ mới Đoàn trường sẽ tiếp tục hỗ trợ và hỗ trợ nhiều hơn nữa các chương trình, hoạt động của Đoàn khoa. Bởi vì Đoàn cơ sở có hoạt động tốt thì Đoàn trường mới vững mạnh được.

- Trong không khí chào đón Đại hội Đại biểu Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019, Thầy có lời chúc gì muốn nhắn gửi tới Đại hội?

Lời chúc duy nhất mình muốn nhắn gửi đó là chúc Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp. Chúc Đại hội sẽ chọn ra được những gương mặt Ban chấp hành sáng giá, có tâm, có tầm để dẫn dắt phong trào, hoạt động của Đoàn trường đi lên, có sức ảnh hưởng nhiều hơn với Thành Đoàn, sánh vai với các trường bạn. Đoàn khoa cũng sẽ cố gắng hỗ trợ Đoàn trường trong các công tác, giúp Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp!

Xin cám ơn Thầy và chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và thành công.  

 

Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường