BCH Đoàn trường, BCH Hội sinh viên trường chia sẻ tâm tư, tình cảm, sự lo lắng của các bạn, đặc biệt là các bạn có gia đình bị ảnh hưởng trước những sự cố môi trường vừa qua. Thiết nghĩ các bạn sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM hãy chung sức bảo vệ môi trường không chỉ bằng trái tim mà cả sự thông thái, tỉnh táo của một con người có trách nhiệm trước các vấn đề môi trường quốc gia và toàn cầu.

Trong khoảng thời gian từ 06/4/2016 đến 04/5/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt và bất thường xảy ra tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên- Huế. Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, diễn ra trên phạm vi rộng, không chỉ ảnh hưởng kinh tế của ngư dân trong khu vực mà tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế- xã hội của cả nước. Là con dân đất Việt, bất cứ ai trong chúng ta đều chung tâm trạng lo lắng, hoang mang khi môi trường biển bị đe dọa và phẫn nộ với thủ phạm gây ra hiện tượng trên. Đó là tâm trạng chung của một công dân có trách nhiệm đối với đất nước, là tình cảm của một con người đối với thiên nhiên. Tuy nhiên, sự lo lắng, phẫn nộ, bức xúc  không thể lấn át lý trí. Hơn lúc nào hết, trước sự kiện như vậy, chúng ta cần phải hành động sáng suốt, đoàn kết và càng không nên để người khác lợi dụng.

Nhận thức tầm quan trọng của sự kiện và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ngay khi có thông tin và báo cáo, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo  các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh khẩn trương làm rõ nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp khắc phục hậu quả và hỗ trợ ngư dân.

Ý thức đuợc trách nhiệm truớc nhân dân và xã hội, các cơ quan Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn  lâm Khoa học & Công  nghệ Việt Nam… đã nhanh chóng thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN Quốc gia,  mời các nhà khoa học Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel… tham gia nghiên cứu, khảo sát, điều tra để có kết luận chính xác, khách quan và khoa học nhất về nguyên nhân sự cố, mức độ ảnh hưởng và giải pháp khắc phục.

Quan điểm  và sự chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ kiên quyết và rõ ràng. Tại buổi làm việc  vào ngày 01/5/2016 với lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che”, “Xác định đến cùng thủ phạm chính là gì trên tinh thần khách quan, trung thực, thận trọng và khẩn trương”…

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772 ngày 09/5/2016 của về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng, bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến được với người dân kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã đồng loạt thực hiện các biện pháp kịp thời và thiết thực nhằm  hỗ trợ vật chất, bù đắp những thiệt  hại, động viên, thăm hỏi bà con bị tác động bởi sự kiện.

Cũng chính những ngày qua, tiếp nối truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc,  các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ mọi miền đất nước đã hỗ trợ san sẻ cùng bà con ngư dân miền Trung để giảm thiểu những mất mát, thiệt hại về vật chất;  tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần bà con bị thiệt hại. Đây là những hành động thiết thực, thấm đượm tình người và rất đáng trân trọng.

Trong khi đó, lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, tâm lý bức xúc, nóng ruột của của người dân,  dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, hỗ trợ ngư dân… một số cá nhân đã bóp méo thông tin, tổ chức kêu gọi người dân tuần hành, dàn dựng, khiêu khích các lực lượng chức năng, gây rối... để phục vụ các mưu đồ riêng của họ.  Hành động xuống đường biểu tình, phản đốikhông là hành động  bảo vệ môi trường hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay mà đôi khi có thể gây ô nhiễm “môi trường kinh doanh” và bất ổn xã hội. Chắc hẳn các bạn không quên sự kiện ngày 13-14/5/2014.Lợi dụng việc tuần hành phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhóm các đối tượng quá khích đập phá, hủy hoại tài sản các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Hậu quả của hành động đó không chỉ gây tổn hại về vật chất mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, làm xấu xí hình ảnh người Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Là một sinh viên luật, thay vì xuống đường tuần hành, các bạn đang có  đủ cơ hội và điều kiện để thể hiện lòng yêu nước, yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường.  Thiết nghĩ, chúng ta hãy bắt đầu từ công việc cụ thể, nhỏ bé nhưng thiết thực nhất là tích lũy kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường.  Kiến thức đó cần được lan tỏa trong bạn bè, gia đình và cộng đồng để góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. Sau khi ra trường, kiến thức đó sẽ hữu ích trong việc ngăn chặn và chế tài các hành vi xâm hại môi trường. Bất kỳ một kết luận về sự cố môi trường hoặc kết luận về  hành vi vi phạm pháp luật môi trường đều phải dựa trên chứng cứ, kết quả điều tra giám định độc lập, kết quả thực nghiệm hiện trường…  Là một sinh viên luật, các bạn không thể hành động theo cảm tính, nóng vội mà phải căn cứ vào các luận điểm và luận cứ pháp lý.

Là một công dân có trách nhiệm, hành động bảo vệ môi trường, bảo vệ ngư dân thiết thực nhất là  mỗi chúng ta dành những động viên, chia sẻ cùng bà con ngư dân, với các bạn  trong lớp, trường có gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường này. Ngoài ra các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường đang chờ đón các bạn.

BCH Đoàn trường, BCH Hội sinh viên trường chia sẻ tâm tư, tình cảm, sự lo lắng của các bạn, đặc biệt là các bạn có gia đình bị ảnh hưởng trước những sự cố môi trường vừa qua. Thiết nghĩ các bạn sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM hãy chung sức bảo vệ môi trường không chỉ bằng trái tim mà cả sự thông thái, tỉnh táo của một con người có trách nhiệm trước các vấn đề môi trường quốc gia và toàn cầu.

TRẦN ÁNH (Theo BCH Đoàn trường - BCH Hội sinh viên)