Tranh chấp trên biển Đông, trước hết là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và leo thang với mức độ khá nghiêm trọng, nhất là từ cuối thập niên đầu thế kỷ XXI.

 

1. Các tranh chấp đang tồn tại trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc

Tranh chấp trên biển Đông, trước hết là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và leo thang với mức độ khá nghiêm trọng, nhất là từ cuối thập niên đầu thế kỷ XXI.

Ngoài hai quần đảo trên, tranh chấp biển Đông còn mở rộng ra cả vùng biển phía Nam đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei. Tháng 5/2009, Trung Quốc đưa ra yêu sách về vùng biển này nằm trong đường biên giới “lưỡi bò”, là vùng nước lịch sử do họ đơn phương tuyên bố sở hữu từ cuối năm 1947.[i] Ngoài ra, Trung Quốc còn thường xuyên cho các tàu hải giám và kiểm ngư, những tàu thuyền quân sự và cảnh sát trá hình vào những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cản trở hoạt động thăm dò địa chấn của Việt Nam.[ii]

Gần đây nhất, ngày 02/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) vào định vị khoan tại vùng biển, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) của Việt Nam khoảng 120 hải lý, mà tại đó, Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hơn nữa, chưa đầy hai tháng từ khi đặt giàn khoan HD 981, Trung Quốc điều thêm bốn giàn khoan nữa vào biển Đông.[iii]

Như vậy, có thể thấy rằng, tranh chấp biển Đông trở nên phức tạp và bị đẩy lên mức độ ngày càng gay gắt trong những năm gần đây. Tranh chấp không chỉ bắt nguồn từ mâu thuẫn hay tồn tại tranh chấp về chủ quyền lãnh hải do lịch sử để lại và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế, mà còn xuất phát từ sự đan xen lợi ích, mưu cầu địa chính trị, trước hết là quản lý, kiểm soát tuyến hàng hải, hàng không chiến lược và nguồn tài nguyên giàu có, đặc biệt là dầu mỏ tại khu vực này. Vì vậy, tranh chấp biển Đông ngày nay không chỉ còn là xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ASEAN, mà đã trở thành một vấn đề quốc tế. Trong đó, tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu xoay quanh bốn tranh chấp:

Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền Quần đảo Hoàng Sa;

Thứ hai, tranh chấp chủ quyền Quần đảo Trường Sa;

Thứ ba, tranh chấp nội vùng đường lưỡi bò;

Thứ tư, tranh chấp về việc hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

2. Các giải pháp giải quyết tranh chấp biển Đông theo pháp luật quốc tế

Về phương diện khoa học luật quốc tế, các quốc gia không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, mà phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định, hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế là một nghĩa vụ pháp lý của tất cả các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế. Căn cứ vào bản chất, thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp, các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế có thể được chia làm hai nhóm cơ bản:[iv]

Thứ nhất, các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính ngoại giao, gồm các biện pháp đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, giải quyết trước các tổ chức quốc tế bằng các hiệp định khu vực, với đặc điểm cơ bản là giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, thương lượng thông qua các diễn đàn, Hội nghị quốc tế do các bên tranh chấp hoặc bên thứ ba tổ chức. Có thể kể đến là các tổ chức quốc tế liên chính phủ như ASEAN, Liên minh Châu Âu, Liên minh Châu Phi,… Kết quả giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp này thường là các nghị quyết, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế hoặc các cam kết và các điều ước quốc tế được các bên tranh chấp ký.

Thứ hai, các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán. Các biện pháp này có đặc điểm là giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp, thông qua hoạt động xét xử với kết quả giải quyết tranh chấp là các phán quyết của Tòa án quốc tế hoặc Trọng tài quốc tế có giá trị chung thẩm, bắt buộc các bên liên quan phải tuân thủ và thực hiện.

Ngoài hai nhóm biện pháp trên, một biện pháp mới không được đề cập trong Hiến chương nhưng được áp dụng rất nhiều trong thực tiễn là môi giới giải quyết tranh chấp. Nghĩa là, các cá nhân có uy tín lớn trong quan hệ quốc tế như Nguyên thủ quốc gia, Tổng thư ký hoặc nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được các bên tranh chấp đề nghị đứng ra thuyết phục để các bên gặp gỡ, tiếp xúc nhằm giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước 1982 đã dành ra 9 điều và 4 phụ lục để quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong khuôn khổ Công ước 1982, Điều 287 quy định bốn cơ quan giải quyết tranh chấp: (1) Tòa quốc tế về Luật biển được thành lập theo Phụ lục VI; (2) Tòa án Công lý quốc tế; (3) Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII, để giải quyết một hay nhiều tranh chấp đã được quy định rõ trong đó; (4) Tòa trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII. Một lưu ý rằng, nếu các bên trong tranh chấp không chọn trước hay không thỏa thuận được cơ quan giải quyết tranh chấp nào trong bốn cơ quan trên, thì phải dùng đến Tòa trọng tài quốc tế. Nghĩa là, nếu các bên không có tuyên bố trước hoặc có thỏa thuận khác, biện pháp giải quyết bằng Tòa trọng tài quốc tế mặc nhiên được áp dụng.

 

3. Biện pháp giải quyết tranh chấp mà Việt Nam đã áp dụng

Trước những tranh chấp biển Đông với Trung Quốc vốn tồn tại nhiều thập kỷ, Việt Nam đã và đang kiên trì theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính ngoại giao, cụ thể là đàm phán song phương, đàm phán đa phương.

Riêng với tranh chấp liên quan đến giàn khoan HD 981, cho đến nay, Việt Nam đã hai lần gửi thư lên Liên Hợp Quốc vào ngày 28/5[v] và ngày 06/6[vi], kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan HD 981 và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 03/0, Việt Nam tiếp tục gửi thư lên Liên Hợp Quốc đề nghị lưu hành văn bản phản đối Trung Quốc như là những tài liệu chính thức của Đại hội đồng LHQ.[vii]

Hơn nữa, Việt Nam đang nỗ lực để tối đa hóa vai trò của ASEAN, cân nhắc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế và thúc đẩy hợp tác với các cường quốc khác để tăng cường vị thế và tạo lợi thế trong cân bằng với Trung Quốc trên biển Đông.

 

4. Biện pháp hiệu quả để giải quyết tranh chấp biển Đông

Trước tình hình tranh chấp căng thẳng đang leo thang trên biển Đông, một số chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, khi các giải pháp chính trị ngoại giao mà Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì áp dụng nhưng không hiệu quả thì giải pháp giải quyết bằng các tài phán là cần thiết, vì đây cũng là một trong những biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế đã được quy định tại Điều 33 của Hiến chương LHQ.[viii]

Thứ nhất, với nội dung giải thích và áp dụng Công ước 1982 trong hai tranh chấp HD 981 và “đường lưỡi bò”, cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước sẽ được sử dụng. Theo đó, có 4 cơ quan được liệt kê là (1) Tòa quốc tế về Luật biển được thành lập theo Phụ lục VI; (2) Tòa án Công lý quốc tế; (3) Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều tranh chấp đã được quy định rõ trong đó; (4) Tòa Trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII.

Đối với cơ quan thứ nhất và cơ quan thứ hai - Tòa án Quốc tế về Luật biển và Tòa án Công lý Quốc tế, hai tòa này không có thẩm quyền đương nhiên để thụ lý và giải quyết các vụ việc tranh chấp giữa các quốc gia. Để xác lập thẩm quyền của hai cơ quan này, Việt Nam và Trung Quốc phải ký một điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế để đồng ý hai tòa này trên xem xét, giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Vì vậy, trở ngại lớn nhất của Việt Nam là liệu Trung Quốc có chấp nhận thẩm quyền trên hay không.

Liên hệ đến thực trạng tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết bất kỳ điều ước quốc tế song phương và cũng không gia nhập bất kỳ điều ước quốc tế đa phương nào có quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Tòa án Công lý quốc tế hay Tòa án Quốc tế về Luật biển. Mặt khác, cả Việt Nam và Trung Quốc cũng chưa có bất kỳ tuyên bố đơn phương nào về việc chấp nhận thẩm quyền giải quyết tại hai Tòa này.

Vì vậy, có thể thấy rằng, tính khả thi của việc khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về Luật biển là không cao.

Đối với cơ quan thứ ba - Tòa Trọng tài đặc biệt, tòa này có thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc của vụ tranh chấp.[ix]Các khuyến nghị của tòa này không có giá trị quyết định mà chỉ là cơ sở để các bên tiến hành xem xét lại những vấn đề làm phát sinh tranh chấp. Do đó, tranh chấp “đường lưỡi bò” và HD 981 không thể được giải quyết tại Tòa Trọng tài đặc biệt.

Đối với biện pháp cuối cùng – Tòa Trọng tài quốc tế, Việt Nam có một thuận lợi là cơ quan này mặc nhiên được áp dụng. Tuy nhiên, Công ước cũng đưa ra một ngoại lệ cho cơ chế mặc nhiên này, đó là một bên trong tranh chấp có thể bảo lưu bằng cách tuyên bố không chấp nhận quyền tài phán bắt buộc trong Công ước trong các trường hợp sau: (1) Tranh chấp biên giới biển, vịnh lịch sử (sea boundary, historic bays); (2) Các hoạt động quân sự; thi hành quyền cảnh sát (law enforcement) về nghiên cứu biển và nghề cá; (3) Tranh chấp đã nhờ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thụ lý.[x]

Sau khi ký kết Công ước, Trung quốc đã gửi công hàm ngày 25/8/2006 tuyên bố không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo ba biệt lệ trên.[xi]Như vậy, khi xem xét thẩm quyền của cơ quan tài phán bắt buộc theo Công ước 1982 trong tranh chấp liên quan đến HD 981 và “đường lưỡi bò”, phải trả lời câu hỏi tranh chấp có thật sự thuộc một trong ba biệt lệ như Trung Quốc khẳng định hay không để đi đến kết luận vụ việc có thể được đưa ra Tòa Trọng tài.

Theo quan điểm của Trung Quốc từ vụ kiện với Philippines, “đường lưỡi bò” thuộc về “biên giới quốc gia" qua “lịch sử 2000 năm” của Trung Quốc, tức thuộc biệt lệ (1). Philippines không hề tranh cãi gì về biên giới quốc gia, mà chỉ nhắc đến vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc từ “đường lưỡi bò” đã được xác lập mà không có cơ sở pháp lý. Việt Nam cũng có thể vận dụng quan điểm về vùng đặc quyền kinh tế của Philippines như trên.

Bên cạnh đó, đối với HD 981, thực chất tranh chấp ở đây là: giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào.[xii]

Vì vậy, trong cả hai tranh chấp “đường lưỡi bò” và HD 981, Việt Nam có thể bác bỏ được quan điểm của Trung Quốc và xác lập thẩm quyền của cơ quan tài phán bắt buộc theo Công ước 1982. Do đó, Việt Nam có thể đưa tranh chấp “đường lưỡi bò” và HD 981 ra giải quyết tại Tòa Trọng tài quốc tế. Đây là đề xuất cho việc giải quyết tranh chấp về việc giải thích và áp dụng Công ước 1982.

Thứ hai, đối với tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cần lưu ý rằng những tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 1982. Như vậy, Việt Nam có thể cân nhắc đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa án Công lý quốc tế. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tại Tòa án Công lý quốc tế thì không đơn giản. Như đã trình bày ở trên, tòa này chỉ có thể giải quyết tranh chấp nếu Việt Nam khởi kiện và Trung Quốc cũng chấp nhận giải quyết hoặc, Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận đồng yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp thì tòa án mới có thẩm quyền giải quyết. Đây là khả năng rất khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong rủi ro luôn tiềm ẩn cơ hội, nếu Việt Nam có động thái khởi kiện và Trung Quốc không chấp nhận giải quyết vụ kiện này tại Tòa án Công lý quốc tế, thì có thể coi đây là dấu hiệu Trung Quốc đuối lý để chúng ta tích cực đấu tranh trên các phương tiện truyền thông, tạo hiệu ứng gián tiếp nhằm cô lập Trung Quốc về ngoại giao về vấn đề biển Đông.

Tựu chung lại, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán để đưa giải pháp hiệu quả nhất, bên cạnh đó, việc phối hợp với biện pháp ngoại giao nên được ưu tiên áp dụng. Biển Đông nổi sóng hay yên bình đang là một vấn đề được tất cả các quốc gia trong khu vực và thế giới quan tâm. Chuỗi những diễn biến trong tranh chấp trên biển Đông đã đưa vấn đề vượt ra ngoài phạm vi khu vực. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp pháp lý, Việt Nam cần kết hợp với chính sách ngoại giao cương quyết nhưng không kém phần mềm dẻo, linh hoạt, phân biệt và tranh thủ sự ủng hộ của các của chủ thể cũng như dư luận quốc tế để không chỉ ngăn ngừa căng thẳng leo thang đến “bên miệng hố chiến tranh”, mà còn nhanh chóng đạt được một kết quả chính đáng, phù hợp với căn cứ lịch sử và pháp luật quốc tế./.

 

[i]PGS. TSKH. Trần Khánh, Tranh chấp biển Đông - Tìm biện pháp hiệu quả để giải quyết tranh chấp biển Đông, 2014, http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/

[iii] An Bình, Trung Quốc ồ ạt đưa thêm 4 giàn khoan dầu vào biển Đông, 2014, http://dantri.com.vn/

[iv]TS. Ngô Hữu Phước, Luật Quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 514-515.

[v] Xem thêm Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc, http://www.vietnamplus.vn/

[vi] Xem thêm Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc, http://www.vietnamplus.vn/

[vii] Xem thêm Việt Nam Đề Nghị LHQ Lưu Hành Văn Bản Phản Đối Trung Quốc, 2014, http://www.tienphong.vn/

[viii] Bài phỏng vấn TS. Ngô Hữu Phước, Kiện Trung Quốc Ra Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế Về Luật Biển, 2014, http://plo.vn/

[ix]Điều 5.1, Phụ lục VIII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

[x]Điều 298, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

[xi]Nguyên văn là “Trung Quốc bảo lưu điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 15, 74 và 83 liên quan đến biên giới biển, các vịnh lịch sử hay chủ quyền, hoạt động quân sự hay thực thi pháp luật, hay các vấn đề mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thẩm quyền.” Xem thêm TS. Lê Nết, Philippins kiện Trung Quốc theo Công ước LHQ về Luật Biển: Góc nhìn của Trọng tài Quốc Tế về đường lưỡi bò, 2014, http://baodautu.vn/

[xii]Nguyễn Thái Linh và Dương Danh Huy, Cần đưa Trung Quốc ra Tòa, 2014,http://www.thanhnien.com.vn

 

TRẦN NGỌC LINH TÂM - CLC35