Trải qua hơn hai mươi năm tồn tại, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Để phù hợp hơn với thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, cũng như tiếp tục xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp.

 

Sau khoảng thời gian thảo luận sôi nổi tại nghị trường cũng như tiếp thu ý kiến của toàn thể nhân dân, Quốc hội đã chỉnh lý, hoàn thiện và thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vào ngày 28/11/2013.

Trong lần sửa đổi này, Hiến pháp 2013 với nhiều quy định mới đã thể hiện được bước tiến trong tư duy lập hiến Việt Nam. Đặc biệt là tại khoản 3, Điều 2 quy định:“Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Như vậy, quyền lực Nhà nước không chỉ là sự thống nhất, phân công, phối hợp mà còn kiểm soát lẫn nhau. Đó là cơ sở cho việc quy định cụ thể các chế định về tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có chế định Tòa án nhân dân.

Hiến pháp 2013 chỉ dành 5 Điều để quy định về Tòa án nhân dân (từ Điều 102 đến Điều 106, giảm 6 Điều so với Hiến pháp 1992), nhưng đã thể hiện sâu sắc bản chất, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Tòa án nhân dân. Nghiên cứu những quy định về Tòa án nhân dân, tác giả nhận thấy nhiều điểm mới như sau:

Một là, Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền tư pháp thuộc về Tòa án. Quan sát các bản Hiến pháp trước đây của Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy, ngoài Hiến pháp 1946 tại Điều 63 có quy định cơ quan tư pháp bao gồm Tòa án các cấp thì các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 dường như không nói rõ cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp. Bởi lẽ, sau khi có thêm chế định Viện Kiểm sát nhân dân thì bắt đầu xuất hiện sự ngập ngừng với nhiều quan điểm về việc có nên cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng thực hiện quyền tư pháp hay không? Đến Hiến pháp 2013 thì quyền tư pháp đã chính thức được khẳng định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1, Điều 102). Với quy định này, chúng ta đã xác định rõ, chỉ có Tòa án nhân dân mới là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử; mới có quyền đưa ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp theo quy định của pháp luật và về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án[1]. Tòa án thực hiện quyền tư pháp là phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, vì trong Nhà nước pháp quyền thì quyền tư pháp về bản chất là quyền xét xử. Việc quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp là đã thể hiện đúng bản chất đó. Trong khi đó, Viện Kiểm sát là cơ quan thực hiện quyền công tố và là một bên tham gia tố tụng, nên nếu quy định Viện Kiểm sát cũng thực hiện quyền tư pháp là không phù hợp[2].

 

Hai là, so với các bản Hiến pháp trước đây thì Hiến pháp năm 2013 đã “bỏ ngõ” cách thức tổ chức Tòa án mà chỉ quy định “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định” (Khoản 2, Điều 102). Quy định như thế là hợp lý,bởi vì chúng ta đang thảo luận về cách thức tổ chức Tòa án mới, phù hợp hơn so với cách thức tổ chức Tòa án theo mô hình đơn vị hành chính.

Lâu nay, trong tư duy của nhiều người có quan niệm Tòa án chỉ là cơ quan xét xử giống như một “ngành” chuyên môn như các Bộ, ngành khác. Theo cách tư duy đó thì Tòa án nhân dân tối cao được xem như một cơ quan “Bộ” ở Trung ương; các Tòa án nhân dân cấp tỉnh được xem như một cấp sở, ngành cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp huyện được xem như một phòng cấp huyện của chính quyền địa phương; Thẩm phán được nhìn nhận như một dạng công chức hành chính. Đây là một nhận thức sai lầm. Tòa án phải được hiểu đúng đắn là một thiết chế đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ của nhánh quyền tư pháp quốc gia để bảo vệ công lý; và vì vậy, cho dù Tòa án được thành lập ở cấp nào, địa phương nào thì Tòa án cũng không phải là cơ quan của địa phương[3].

Với cách thức tổ chức Tòa án theo mô hình đơn vị hành chính, tính đến ngày 30/6/2013, cả nước có 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 700 Tòa án nhân dân cấp huyện (riêng Huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa có Tòa án)[4]. Hay nói cách khác, mỗi tỉnh đều có Tòa án, mỗi huyện đều có Tòa án. Tuy nhiên, không phải nơi nào số lượng vụ án cũng đồng đều nên nhiều nơi xảy ra tình trạng tồn đọng án, lại có nơi một năm chỉ giải quyết vài ba vụ án. Số lượng Tòa án cấp huyện như thế là quá lớn và sẽ có thể lớn hơn cùng xu hướng tăng lên của các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập mới. Mặt khác, việc tổ chức Tòa án theo mô hình đơn vị hành chính vô hình chung đã hình thành tâm lý hạ thấp vị thế của Tòa án, đồng thời việc các Tòa án và Ủy ban nhân dân cúng tổ chức theo mô hình này thì Tòa án có thực sự độc lập hay không?

Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Trong đó, đề ra nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, với mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Ngày 28/7/2010, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Trong đó, xác định phương hướng tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm 4 cấp là Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính, xét xử hầu hết các loại vụ án theo pháp luật về tố tụng; Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm các bản án đối với các bản án sơ thẩm của Tòa án sơ thẩm khu vực mà chưa có hiệu lực pháp luật, bị kháng cáo, kháng nghị; Tòa án nhân dân cấp cao xét xử các vụ án phúc thẩm các bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm đối với các Tòa án cấp dưới (Tòa án khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh); còn Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ kiểm tra, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, phát triển án lệ, hướng dẫn áp dụng pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử.

Chính vì đã xuất hiện những nhận thức mới nên Hiến pháp năm 2013 chỉ phác họa khái quát về mô hình Tòa án nhân nhân dân, còn cách thức tổ chức ra làm sao thì sẽ để cho Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cụ thể hóa.

Cũng xin nói thêm, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Theo đó, xác định tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án nhân dân được tổ chức 4 cấp như Kết luận số 79-KL/TW. Đối với Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hai phương án: (i) Tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW; (ii) Tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện; nghiên cứu, xác định rõ nội hàm và xây dựng cơ chế để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp.

 

Ba là, những nhiệm vụ của Tòa án đã được quy định một cách cụ thể. Đó là nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Khoản 3, Điều 102). Nếu để ý kĩ, chúng ta có thể nhận thấy thứ tự về những quyền lợi mà Tòa án phải bảo vệ không phải được sắp xếp tùy tiện mà có sự tỉ mỉ trong cách sắp đặt. Đầu tiên, Tòa án phải bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tòa án được ví như cái khiên vững chắc để che chở, bảo vệ mọi người; là cán cân duy trì và bảo đảm công bằng cho xã hội. Cái lý và cái tình phải được xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng khiến cho cán cân công lý bị mất thăng bằng lớn, và khi ấy sẽ xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân. Vì thế, việc tránh oan sai cũng như tránh bỏ lọt tội phạm, tránh phán xét một cách tùy tiện làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án. Tiếp đó, Tòa án phải có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, hay nói cách khác là, phải trung thành với chế độ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang hướng đến.

 

Bốn là, Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn những nguyên tắc tố tụng mang tính hiến định[5]tại Điều 103. Đây là những nguyên tắc cơ bản nhất, dựa trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các Điều 129, 130, 131, 132 Hiến pháp năm 1992; tiếp thu những quy định về quyền con người trong hoạt động tố tụng của các bản Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (Universal Declaration of Human Rights – UDHR) năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) năm 1966 mà Việt Nam là thành viên, cũng như tham khảo Hiến pháp của các nước bạn trên thế giới nhằm bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong hoạt động tố tụng, tăng cường hơn nữa tính độc lập trong hoạt động của Tòa án.

Khoản 1, Điều 103 tiếp tục quy định việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, tuy nhiên đã bổ sung thêm trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Thủ tục rút gọn trong tố tụng nghĩa là, trong một số vụ án đơn giản thì việc xét xử có thể chỉ cần một Thẩm phán, không cần thiết phải có sự tham gia của cả Hội đồng xét xử; nhằm mục đích là tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án kịp thời, nhanh chóng, tiết kiệm nhưng cũng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và hợp pháp.

Để Tòa án thực sự là cơ quan độc lập, khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Trong các bản Hiến pháp trước đây, các nhà lập hiến cũng đã từng ghi nhận quy định này; và khi nghiên cứu về Hiến pháp nước ngoài, chúng ta có thể bắt gặp quy định này trong Hiến pháp của khá nhiều quốc gia. Ví dụ như Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 tại Điều 76 có quy định: “Tất cả Thẩm phán phải được độc lập trong khi thực thi quyền hạn của mình mà chỉ phải tuân thủ Hiến pháp và các luật”; Điều 249 Hiến pháp Thái Lan năm 1997 quy định: “Thẩm phán độc lập trong xét xử phù hợp với Hiến pháp và pháp luật”; hay như trong Hiến pháp năm 1998 của Quốc gia Fiji, tại Điều 118 nêu rõ: “Các Thẩm phán của Nhà nước độc lập với các nhánh lập pháp và hành pháp của Chính phủ”. Thẩm phán nếu muốn độc lập thực sự thì trước hết việc bổ nhiệm Thẩm phán phải công tâm, chính xác; lựa chọn cho được những người có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm, bảo đảm có đủ ý chí, quyết tâm bảo vệ công lý. Mặt khác, cần phải có các thể chế để buộc Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình, thực hiện đúng đắn quyền tư pháp và nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử[6]

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là một nguyên tắc quan trọng. Trong những quyền con người cần được bảo vệ có quyền bí mật cá nhân, bí mật gia đình và quyền bào chữa. Khoản 1, Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định:“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình”. Và khoản 4, Điều 31 cũng ghi nhận: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Trong phần hiến định các nguyên tắc hoạt động tố tụng, một lần nữa các quyền này đã được nhắc lại. Theo đó, “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín” (khoản 3, Điều 103) và “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm” (khoản 7, Điều 103). Cũng xin nói thêm về nguyên tắc công khai trong hoạt động xét xử thì tại khoản 2, Điều 31 đã quy định: “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai”. Và tại Điều 10 bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người cũng từng ghi nhận: “Ai cũng được hưởng quyền bình đẳng, được xét xử công khai và công bằng bởi một Tòa án độc lập và vô tư trong việc quyết định về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình cũng như bất cứ sự buộc tội nào đối với họ”.

Tranh tụng là hoạt động của các bên tham gia xét xử đưa ra các quan điểm của mình và tranh luận lại để bác bỏ một phần hoặc toàn bộ quan điểm của phía bên kia. Tòa án được ví như người trọng tài quan sát hai bên, đánh giá toàn bộ nội dung vụ án một cách khách quan và đưa ra phán quyết cuối cùng trên cơ sở tranh tụng. Lần đầu tiên “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” đã được ghi nhận trong Hiến pháp (khoản 5, Điều 103). Việc hiến định nguyên tắc này là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà chúng ta đang tiến hành. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới” đã quy định: "… Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác... Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng của phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời gian quy định”. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” tiếp tục khẳng định: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Nghị quyết 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội “Về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013” cũng yêu cầu: “Kiểm sát viên phải chủ động, tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự… Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”.

Việc ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp sẽ là tiền đề cho công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi các luật, bộ luật có liên quan như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng Hình sự sắp tới. Trên cơ sở luật hóa nguyên tắc tranh tụng sẽ tạo một cơ chế thi hành trên thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả tranh tụng, nhằm phát huy tính dân chủ, công bằng; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân - đó cũng chính là mục đích chính của cơ quan tư pháp.

 

Năm là, các Điều 104 và 105 đã quy định khái quát về Tòa án nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định và thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.Nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức vànhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do luật định; Chánh án Toà án nhân dân Tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Chánh án các Tòa án khác do luật định.Việc bổ nhiệm, phê chuẩn,miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Thẩm phán và việc bầu, nhiệm kỳ của Hội thẩm do luật định.

Ý nghĩa lý luận của các quy định này nhằm đề cao địa vị pháp lý của Thẩm phán, đặc biệt là địa vị pháp lý của Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Bởi vì, chính đội ngũ Thẩm phán là những người trực tiếp giải quyết, xét xử các loại vụ án và thực hiện quyền tư pháp. Chất lượng giải quyết, xét xử và thực hiện quyền tư pháp của các Thẩm phán là biểu hiện của nền công lý của quốc gia. Do đó, họ được xã hội thừa nhận có địa vị pháp lý cao và được tôn trọng là phù hợp với tiến bộ xã hội và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Ý nghĩa thực tiễn của quy định này là nhằm xác định Thẩm phán là Thẩm phán của quốc gia, không phụ thuộc vào địa phương nào, đó là đảm bảo hoạt động của Thẩm phán là nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì quy định của Hiến pháp nêu trên bao hàm ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao sẽ có số lượng hạn chế so với số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hiện nay. Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm và được Quốc hội phê chuẩn. Thủ tục này tương tự như thủ tục bổ nhiệm, phê chuẩn các thành viên Chính phủ (Bộ trưởng). Do vậy, Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao phải là những người ưu tú nhất trong hệ thống Tòa án và cơ quan tư pháp, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giải quyết xét xử các loại vụ án, có uy tín cao trong các cơ quan tư pháp và trong xã hội và thực sự là biểu tượng của công lý của Nhà nước[7].

 

Sáu là, Hiến pháp mới cũng đã dành hẳn Điều 106 để nói về hiệu lực pháp luật của các bản án, quyết định của Tòa án phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơquan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Điều 106 này thực ra là được kế thừa, có sửa đổi và bổ sung từ Điều 136 Hiến pháp năm 1992 và có ý nghĩa khẳng định tính cưỡng chế của các bản án đã có hiệu lực pháp luật, làm tiền đề cho việc thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa các bản án, quyết định Tòa án ra thi hành là rất khó khăn và phức tạp, vì thế để quy định này của Hiến pháp “đi vào cuộc sống” thì đòi hỏi chúng ta phải cụ thể hóa một cách chi tiết trong các văn bản pháp luật (chẳng hạn như trong các Luật Thi hành án) nhằm tạo ra một cơ chế tối ưu, hiệu quả hơn về công tác thi hành án.

Như vậy, khi tìm hiểu về chế định Tòa án nhân dân trong Hiến pháp 2013, chúng ta có thể nhận thấy nhiều điểm mới đã được ghi nhận. Tất cả những điểm mới này đều xuất phát từ tư tưởng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, quyền công dân; xuất phát từ yêu cầu cải cách tư pháp, dựa trên nhiều quan điểm mới của Đảng ta. Đồng thời, sau khi hiến định những điểm mới này thì trước mắt, hàng loạt các văn bản luật, bộ luật có liên quan sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thế hóa Hiến pháp và áp dụng Hiến pháp trên thực tế./.

 


[1]PGS.TS Trần Văn Độ, Quy định của Hiến pháp về Tòa án nhân dân.

[2]Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội (ngày 17/10/2013), tr. 25.

[3]Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm cho Tòa án thực hiện đúng đắn quyền tư pháp.

[4]Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo Tổng kết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002, tr. 4.

[5]PGS-TS Trương Đắc Linh, NCS Nguyễn Mạnh Hùng, Những điểm mới cơ bản trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

[6]Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm cho Tòa án thực hiện đúng đắn quyền tư pháp .

[7]Nguyên phó Chán án Tòa án nhân dân Tối cao Trần Văn Tú, Các quy định về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hướng hoàn thiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

 

THÁI MINH SƠN