Các cơ sở pháp lý được hình thành trong quá trình dựng nước, giữ nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà nổi bật trong số đó là Luật Biển Việt Nam 2012, sẽ luôn là một thành trì vững chãi làm nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm đối với biển, đảo Việt Nam.

 

1. Cơ sở pháp lý của việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa.

Thế kỷ XX được thế giới xem là thế kỷ của đại dương với nhiều văn bản lịch sử được thông qua nhằm điều hòa và giải quyết mối quan hệ giữa các quốc gia trong việc xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như phương thức giải quyết các tranh chấp về biển. Ở đó, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) được xem như là “Bản Hiến pháp cho Đại dương” – xác định một cách cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia có biển hoặc không có biển, phát triển hoặc đang phát triển, tạo một hành lang pháp lý ổn định, lâu dài, mang tính toàn cầu và góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh thế giới. Không nằm ngoài xu thế chung đó, ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam khóa IX đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước.

Thực hiện Nghị quyết này, việc xây dựng Luật Biển Việt Nam trở thành một vấn đề cấp bách và cần thiết nhằm nội luật hóa quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Trước đó, nhìn theo chiều dài xuyên suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có thể thấy sự hiện diện của nhiều văn bản pháp lý quy định về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, khẳng định quyết tâm bám biển và chinh phục biển của nhân dân Việt Nam qua từng thời kỳ khác nhau.

Khi nước ta vừa giành được độc lập, ngày 02/7/1976, tại kỳ họp I, Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi tên nước thành nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó, Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp đó, tháng 12/1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam”. Gần 1 năm sau, ngày 12/11/1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam. Đến ngày 09/12/1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai. 2 ngày sau - 11/02/1982, Chính phủ ký tiếp Quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Cùng với các văn bản trên, Luật Biên giới quốc gia có hiệu lực từ ngày 01/01/2004 cũng là một văn bản pháp lý cực kỳ quan trọng, xác định một cách cụ thể biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam là “đường và mặt đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa,…”. Luật gồm 6 chương 41 Điều, trong đó có 14 Điều trực tiếp quy định về vấn đề biển, đảo Việt Nam. Cụ thể các Điều nêu rõ các bộ phận cấu thành biên giới quốc gia trong đó có các cụm từ đảo, quần đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, vùng biển; chế độ pháp lý, quy chế quản lý và bảo vệ vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (Điều 2); xác định nội thủy (Điều 7), lãnh hải (Điều 9), đưa ra khái niệm vùng nước lịch sử (Điều 8),…

Thực hiện việc pháp điển hóa các văn bản trên, trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, XI, XII với nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII ngày 21/06/2012 Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành là 99.8%. Với Luật Biển Việt Nam 2012, nước ta đã mở ra một bước ngoặt lớn cho biển, đảo Việt Nam trong thời kỳ mới, khẳng định vai trò quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông, thực hiện một cách nghiêm túc nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế. Ngoài ra, Luật Biển 2012 còn là sự hiện diện của việc tiếp nối những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; là cơ sở pháp lý tối quan trọng để xác định các vùng biển Việt Nam để từ đó làm nền tảng vững chắc cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, góp phần phát triển ổn định kinh tế biển, đảo Việt Nam.

Với 7 chương và 55 Điều, Luật Biển Việt Nam đã ghi nhận và khẳng định cụ thể về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hãi, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển, đảo.

Như vậy, có thể khẳng định Nhà nước Việt Nam đã có những cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và việc khẳng định chủ quyền này là phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

2. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam – Nhìn dưới góc độ Luật Biển Việt Nam 2012.

Trong những ngày đầu tháng 5 năm 2014, khi Luật Biển Việt Nam đã đi vào cuộc sống được hơn 1 năm, thì hơn 90 triệu người dân Việt Nam lại mang chung một nỗi lo về sự bành trướng chủ quyền trên biển của các nhà cầm quyền Trung Quốc khi họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo đó, ngày 02/5/2014, giàn khoan Hải Dương 98l được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ Bắc - 111 độ 12 phút 06 giây kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Tiếp đó, 03/5/2014, trên trang thông tin điện tử của mình, Cục Hải sự Trung Quốc đã đưa cảnh báo hàng hải số 14033 về việc giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) “tác nghiệp tại Nam Hải” từ ngày 02/5/2014 đến ngày 15/8/2014, cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực HD-98l hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý. Phạm vi này được tăng lên 3 hải lý kể từ ngày 05/5/2014, sau khi Bộ Ngoại giao nước ta lên tiếng kịch liệt phản đối.

Hành động này của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, làm tổn hại đến hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, làm căng thẳng hóa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Trung Quốc - một cường quốc trên thế giới. Nhìn từ Luật Biển Việt Nam 2012, hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc là hành động trái phép, đe dọa chủ quyền, an ninh của Việt Nam. Sau đây, xin trình bày những luận điểm về hành vi trái phép của Trung Quốc dưới góc độ pháp luật biển Việt Nam như sau:  

Thứ nhất, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu vào trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Công ước về luật biển của Liên Hợp Quốc 1982 ghi nhận và được cụ thể hóa trong Luật Biển Việt Nam 2012.

Theo Điều 15 Luật Biển Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế là vùng hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, là vùng tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam. Trong vùng này, Nhà nước ta có quyền thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên và các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế. Đồng thời, Nhà nước có quyền tài phán quốc gia về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Để Nhà nước thực hiện có hiệu quả quyền chủ quyền và quyền tài phán, Luật Biển quy định Nhà nước ta luôn tôn trọng các quyền tự do hàng hải, hàng không; đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác mà không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Biển còn quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

Đối với thềm lục địa, trên cơ sở Công ước 1982, Điều 17 Luật Biển Việt Nam xác định “thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa”. Trong vùng này, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác tài nguyên. Đây là quyền mang tính chất đặc quyền, không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện quyền này nếu không được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Tại vùng này, Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác mà không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

Căn cứ theo những quy định này, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ Bắc - 111 độ 12 phút 06 giây kinh Đông, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý từ ngày 02/5/2014 khi chưa được bất kỳ sự đồng ý nào từ phía Chính phủ Việt Nam là hành động đơn phương, bất hợp pháp, xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam mà trực tiếp là xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam – vùng biển mà Nhà nước Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để xác lập quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia về các hoạt động thăm dò, khai thác, quản lý, bảo tồn tài nguyên như đã liệt kê ở phần trên.

Thứ hai, song song việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, để thực hiện mục đích của mình, nhà cầm quyền Trung Quốc còn huy động hơn 120 tàu, trong đó có các tàu quân sự; máy bay yểm trợ để đe dọa, uy hiếp, làm hư hỏng nặng các tàu chấp pháp của lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam và các tàu đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam. Trong khi đó, phía lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam để phù hợp với pháp luật biển và thông lệ quốc tế. Dưới góc độ pháp luật quốc tế, hành vi trên của Trung Quốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế; nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau; nguyên tắc cấm sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện tận tâm các cam kết quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là thành viên, và hơn nữa là một cường quốc, phải gương mẫu chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc.

Dưới góc độ pháp luật Việt Nam, Điều 37 Luật Biển Việt Nam quy định về các hành vi bị cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Căn cứ theo điều này thì hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan của nhà cầm quyền Trung Quốc cùng với việc sử dụng tàu quân sự, chiến đấu cơ đã vi phạm khoản 1 – không được tiến hành các hoạt động đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam và khoản 4 – lắp đặt trái phép công trình nhân tạo.

Như vậy, hoàn toàn có đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định hành vi hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Luật Biển Việt Nam 2012 – “một đạo luật chuyên ngành về biển”, là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng để điều chỉnh mọi hoạt động khai thác, quản lý, và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển mà Việt Nam đã xác lập hoàn toàn phù hợp với các quy định tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

3. Kết luận

Xin khẳng định lại một lần nữa, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm pháp luật quốc tế mà trực tiếp là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, vi phạm nghiêm trọng Luật Biển Việt Nam 2012, đi ngược lại đạo lý, truyền thống hợp tác, hữu nghị cùng phát triển đã tồn tại nhiều năm của nhân dân hai nước.

Lịch sử Việt Nam là một quyển sách dày mà trong đó có rất nhiều trang minh chứng cụ thể, rõ ràng về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, các cơ sở pháp lý được hình thành trong quá trình dựng nước, giữ nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà nổi bật trong số đó là Luật Biển Việt Nam 2012, sẽ luôn là một thành trì vững chãi làm nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm đối với biển, đảo Việt Nam. Do đó, từ hàng trăm năm nay, mỗi người dân Việt Nam khi lớn lên đã hằn sâu trong nhận thức của mình rằng: Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.

 


[1] Nhận định của Tommy TB Koh – Chủ tịch Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ III về Luật Biển

[2] Tính đến ngày 03/7/2014

 

Nội dung: LÂM TRỌNG KHA - QT 36